Để nghệ sĩ tài năng được tôn vinh xứng đáng

Nghị định 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 (Nghị định 89) của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) là cơ sở pháp lý để vinh danh những cá nhân hoạt động và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Từ năm 2015 đến nay, Nhà nước đã tổ chức hai đợt xét tặng các danh hiệu này; góp phần động viên, khích lệ văn nghệ sĩ hết mình cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Tuy nhiên, trước và sau mỗi đợt xét tặng, dư luận vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về tiêu chí bình xét, cho rằng có nghệ sĩ chưa xứng đáng với danh hiệu được trao tặng, có nghệ sĩ lại thiệt thòi khi không được ghi nhận... Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) đã tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 89. Bên cạnh những ưu điểm, trong quá trình xét tặng danh hiệu nhiều ý kiến cũng đánh giá còn nhiều vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp thực tiễn.

Nhận định chung của các nhà quản lý và chuyên môn đều đề cập một số tồn tại nổi cộm thời gian qua. Theo đó, nếu quy định thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu tại hội đồng cấp cơ sở là chưa hợp lý. Thực tế, không ít người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… được đào tạo mang tính truyền nghề; hoặc nghệ sĩ được tuyển vào các đoàn nghệ thuật vừa được truyền nghề vừa cùng tham gia biểu diễn, có người không thuộc đơn vị nghệ thuật nào vẫn cống hiến nhiều cho nghệ thuật. Do vậy, cần bổ sung thêm quy định: thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân được tuyển dụng vào một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Như vậy sẽ tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ sĩ có tài năng đặc biệt xuất sắc, nhiều đóng góp.

Nghị định 89 lâu nay quy định Hội đồng được tổ chức phiên họp khi có mặt ít nhất 75% thành viên hội đồng, những thành viên vắng mặt được lấy ý kiến bằng phiếu.

Một số ý kiến cho rằng, cần quy định phải có 90% thành viên hội đồng dự họp mới được tổ chức họp và nên bỏ quy định những thành viên hội đồng vắng mặt được lấy ý kiến bằng phiếu. Điều này nhằm tăng thêm trách nhiệm của các thành viên, việc bỏ phiếu sẽ chính xác, khách quan hơn. Cũng nhiều ý kiến cho rằng, việc hồ sơ đủ tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT phải được ít nhất 90% tổng số thành viên hội đồng bỏ phiếu đồng ý là rất khó khăn, tỷ lệ này nên giảm xuống còn 75% hoặc 80%.

Bên cạnh đó, quy định được cộng dồn, quy đổi huy chương như hiện nay khá là máy móc, không hợp lý. Không thể quy đổi hai huy chương bạc thành một huy chương vàng khi xét tặng danh hiệu NSƯT; cũng như nên xem lại tiêu chí bắt buộc phải có huy chương mới đủ điều kiện xét tặng danh hiệu. Điển hình như trường hợp NSND Trần Hạnh. Gắn bó với sân khấu kịch và phim truyền hình Việt Nam, được khán giả yêu mến từ lâu, nhưng qua nhiều lần xét duyệt hồ sơ, ông đều không đạt vì thiếu huy chương. Khi bước qua tuổi 90, sau nhiều lần dư luận lên tiếng, ông đã được trao tặng danh hiệu NSND vừa qua.

Đợt trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ chín có 199 nghệ sĩ trong số 391 nghệ sĩ được đặc cách truy tặng, trao tặng danh hiệu. Trong đó, có một số trường hợp chưa đạt đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; cụ thể như: nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức, ca sĩ Phan Muôn, các nghệ sĩ cải lương Minh Vương, Thanh Tuấn... Đó là những nghệ sĩ lão thành, người dân tộc thiểu số, hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống và hàn lâm từ nhiều năm nay, do đặc thù ngành nghề ít có điều kiện tham gia các liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp…, nhưng có rất nhiều đóng góp nổi bật cho lĩnh vực nghệ thuật chuyên ngành. Họ được hội đồng các cấp đánh giá là những nghệ sĩ thật sự có tài năng, cống hiến; được công chúng ghi nhận. Vì vậy, để tránh bỏ sót việc tôn vinh những trường hợp này, việc bổ sung nội dung “một số trường hợp đặc biệt, do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” là điều cần thiết để bảo đảm sự công bằng, khách quan trong quá trình xét tặng.

Các ý kiến, đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 89 là tâm tư, nguyện vọng chính đáng của văn nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Đây cũng là cơ sở để việc xem xét, sửa đổi công tác xét tặng danh hiệu hiệu quả hơn. Việc thay đổi một số tiêu chí cho phù hợp thực tế sẽ góp phần đánh giá đúng tài năng, cống hiến của nghệ sĩ cũng như tránh được những băn khoăn của dư luận trong giới làm nghề và công chúng mỗi đợt xét tặng danh hiệu.