Đại biểu Quốc hội chỉ ra yếu kém về quản lý thư viện ở trường học

NDO -

NDĐT - Trong phiên thảo luận tại hội trường chiều nay 11-6 về dự án Luật Thư viện, nhiều đại biểu Quốc hội (QH) đã đưa ra những ý kiến xác đáng, thiết thực nhằm cải thiện triệt để tình trạng "phòng đọc vắng tanh, tủ sách phủ bụi" ở một số thư viện hiện nay.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thư viện chiều 11-6.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thư viện chiều 11-6.

Theo đại biểu Bùi Thu Thủy (Thanh Hóa), các thư viện ở những cơ sở giáo dục ngoài đại học vốn có vai trò quan trọng trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin, quyền học tập, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa theo Hiến pháp; đồng thời phục vụ nhu cầu giải trí chính đáng của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các nhà trường. Tuy nhiên, loại hình thư viện này dường như chưa nhận được chính sách, sự quan tâm đúng mức.

"Đây là gốc rễ của việc hình thành và phát triển văn hóa đọc, xây dựng môi trường học tập lành mạnh, nhưng việc hoạt động lại chưa được đánh giá đầy đủ. Nhiều thư viện trong các trường học đang bị "lãng quên", thiếu thốn đủ đường về cơ sở vật chất, thiết bị, vốn tài liệu... Không ít phòng đọc, thư viện rơi vào cảnh vắng người, tủ sách nghèo nàn, phủ bụi", đại biểu Bùi Thu Thủy nêu thực trạng.

"Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này một phần do hiện tại, người đọc có thể tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng mà không cần đến thư viện bằng những công cụ tìm kiếm trên thiết bị di động thông minh. Thế nhưng, cần phải xét đến khía cạnh các phòng đọc, thư viện trong nhà trường không đáp ứng được nhu cầu của người đọc", thành viên Đoàn đại biểu QH tỉnh Thanh Hóa nhận định.

Nhằm góp phần kéo giảm tình trạng nêu trên, đại biểu Bùi Thu Thủy đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc, thể hiện rõ hơn trong dự án Luật Thư viện các quy định về chính sách đầu tư cụ thể cho hệ thống thư viện thuộc cơ sở giáo dục công lập, thay vì chỉ trông chờ vào "sự quan tâm" của Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu nhà trường như hiện nay. Đồng thời, quy trách nhiệm cụ thể đối với cơ sở giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc bổ sung vốn tài liệu mới theo nhu cầu sử dụng thực tế.

"Không ít cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường học ở vùng sâu, vùng xa hiện rất thiếu thốn tài liệu phục vụ công tác giảng dạy. Nhất là các loại tài liệu ôn thi học sinh giỏi, thi THPT quốc gia... thì đều phải mua mới có. Do vậy, không thể chỉ "khuyến khích" tiếp cận một cách chung chung như trong dự án Luật", đại biểu Thu Thủy khẳng định.

Liên quan đến phát triển văn hóa đọc thông qua dự án Luật Thư viện, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) dẫn chứng hình ảnh công dân Nhật Bản từ người lớn đến trẻ nhỏ đều năng đọc sách, cho rằng đây là thành quả từ những nỗ lực "dài hơi" trong nhiều năm qua của nước bạn, và Việt Nam hiện hoàn toàn có thể bắt đầu triển khai một chiến dịch cổ động văn hóa đọc theo hướng này.

"Thực tế, hiện Việt Nam có số lượng thư viện trong trường học không hề nhỏ, cụ thể chiếm tới 56% tổng số thư viện trên cả nước với khoảng 400 thư viện của trường đại học và 26 nghìn thư viện trường THPT. Đây đều là những loại hình thư viện đặc thù, có vị trí quan trọng trong phát triển văn hóa đọc của thế hệ trẻ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường", đại biểu Mai Hoa cho biết.

"Thời gian qua, các loại hình thư viện này đã bị coi nhẹ, hoặc phát triển không đúng vai trò, chưa thu hút được sự quan tâm của giáo viên và học sinh. Ban soạn thảo Dự án Luật cần cân nhắc nghiên cứu thêm các quy định về chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình thư viện theo cấp học, trình độ đào tạo. Ngoài ra, nâng cao vai trò của "người làm thư viện" theo hướng chuyển đổi thuật ngữ này thành "người làm công tác thư viện". Như vậy, họ sẽ không còn là những thủ thư đơn thuần, mà phải có trách nhiệm, nghĩa vụ sư phạm đối với thư viện", đại biểu tỉnh Đồng Tháp nói.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, các nhà soạn thảo dự án Luật cần quan tâm hơn đến sự thống nhất giữa tên gọi của các loại hình thư viện trong hệ thống giáo dục hiện nay. "Có nơi gọi là thư viện, nơi lại là trung tâm thông tin tư liệu, nơi thì là trung tâm thông tin thư viện... Việc đưa ra tên gọi thống nhất sẽ tăng thêm tính nhất quán, tạo điều kiện áp dụng các chính sách đồng nhất với loại hình thư viện giàu tiềm năng này", đại biểu Mai Hoa kết luận.

Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017