Diễn đàn chủ nhật

Cần tăng chế tài xử phạt thi người đẹp “chui”

Mới đây, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với Công ty TNHH một thành viên Đầu tư du lịch giải trí Khổng Tước, vì đã tổ chức cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 18-11-2020 mà không có giấy phép (theo quy định hiện hành, cuộc thi phải được Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép mới được tổ chức). Đây là mức phạt hành chính cao nhất cho đến nay đối với hành vi tổ chức thi người đẹp không có giấy phép.

Đáng nói ở chỗ, cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020  từng được quảng bá hàng tháng trời trên trang Fanpage Miss Vietnam Entrepreneur 2020 có hơn 11.000 người theo dõi, rồi  kết thúc trao giải đến cả tháng nhưng cơ quan chức năng quản lý không hề biết. Mãi cho đến khi  chính người đoạt vương miện “hoa hậu” của cuộc thi  đứng  đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo cuộc thi  không được cấp phép và có dấu hiệu lừa đảo thí sinh với số tiền gần một tỷ đồng, cơ quan quản lý mới biết thông tin, thực hiện việc xác minh và trước mắt xử phạt hành chính đối với đơn vị tổ chức cuộc thi “chui” này. Đây  không phải là cuộc thi người đẹp “chui” duy nhất trong năm 2020 bị cơ quan chức năng phạt hành chính. Trước đó, đầu tháng 1-2020, khi vòng chung khảo cuộc thi Miss Global Her Beauty diễn ra, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội đã phối hợp Công an quận Nam Từ Liêm kiểm tra, lập biên bản với ban tổ chức vì cuộc thi không được cấp phép, sau đó đã phạt hành chính đơn vị tổ chức với mức cao nhất theo quy định hiện hành là 49 triệu đồng. Rồi tháng 10-2020, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với tạp chí Kids Model Việt Nam - đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Baby Viet Nam (Hoa hậu nhí Việt Nam), diễn ra tại thành phố Huế, trong khi đơn vị này chỉ được cấp phép tổ chức biểu diễn thời trang trẻ em... 

Câu chuyện tái diễn cuộc thi người đẹp “chui” không mới, nhưng tại sao chưa được giải quyết, ngăn chặn triệt để? Các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân là do  mức  xử phạt hành chính hiện nay  chưa đủ sức răn đe. Một thực tế là thời gian qua ở Việt Nam, danh hiệu hoa hậu và các danh hiệu khác trong cuộc thi hoa hậu thường tạo ra cho người đoạt giải rất nhiều cơ hội kèm theo lợi ích khiến nhiều người chuộng các danh hiệu hoa hậu, hoa khôi. Các đơn vị, cá nhân tiếp cận việc tổ chức cuộc thi người đẹp  nhằm mục đích kinh doanh thì lợi  ích còn lớn hơn nhiều thông qua tài trợ của các cá nhân, tổ chức, nhãn hàng  và không loại trừ cả lợi ích từ  việc bán danh hiệu, danh xưng. Trong khi đó, chiểu theo quy định hiện hành (tại  Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo), thì hành vi tổ chức cuộc thi người đẹp không có giấy phép bị phạt tối đa  là 50 triệu đồng (với cá nhân) và gấp đôi (tức là 100 triệu đồng - đối với tổ chức). Mức phạt này chẳng đáng kể  so với lợi ích mà đơn vị tổ chức cuộc thi người đẹp có được từ tài trợ, thậm chí  bán các danh hiệu “hoa hậu”, “hoa khôi”, do đó, một số đơn vị sẵn sàng chịu phạt hành chính để tổ chức các cuộc thi “chui”.  

Tới đây, từ ngày 1-2, Nghị định 144/2020/NĐ-CP (Nghị định 144) về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có hiệu lực thi hành, việc quản lý hoạt động tổ chức các cuộc thi người đẹp thay đổi theo hướng tạo hành lang pháp lý  rõ ràng, phân cấp quản lý cho địa phương,  đồng thời tăng cường hậu kiểm. Theo đó, các cuộc thi hoa hậu, người đẹp sẽ không cần sự cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn, các sở quản lý văn hóa mà cuộc thi  tổ chức ở đâu thì chỉ cần UBND cấp tỉnh ở địa phương đó chấp thuận bằng văn bản; và sẽ không giới hạn số lượng cuộc thi trong năm. Nghị định 144 cũng đã bổ sung quy định các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được yêu cầu thu hồi, hủy bỏ danh hiệu, giải thưởng khi phát hiện vi phạm của thí sinh hoặc ban tổ chức các cuộc thi người đẹp. Nếu cuộc thi có dấu hiệu của hành vi  lừa đảo, mua bán giải, các cơ quan chức năng  sẽ vào cuộc xử lý theo pháp luật. Các nhà quản lý cho rằng, việc phân cấp này sẽ giúp  các  địa phương dễ dàng, nhanh chóng  phát hiện, ngăn chặn và đầy đủ thẩm quyền để xử lý tại chỗ những vi phạm trong  hoạt động tổ chức các cuộc thi người đẹp. Bên cạnh đó, việc không giới hạn số lượng các cuộc thi người đẹp được cho là sẽ buộc các đơn vị  tổ chức phải nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ uy tín bằng sản phẩm tốt để  phát triển; còn cuộc thi nào không uy tín, chất lượng sẽ bị thí sinh, khán giả, nhãn hàng tài trợ  tẩy chay và tự đào thải... Nhưng cùng với phân cấp sâu rộng, hậu kiểm chặt chẽ thì  nhất thiết phải  điều chỉnh tăng chế tài xử phạt đối với những đơn vị có hành vi tổ chức các cuộc thi người đẹp khi chưa  được sự chấp thuận của cơ  quan chức năng. Có như vậy, hành lang pháp lý mới đồng bộ và đủ sức  răn đe để  dẹp bỏ  được các cuộc thi người đẹp “chui”.