Cần nhanh chóng “dọn rác” trên môi trường mạng

Dư luận xã hội và cộng đồng mạng đã lên án mạnh mẽ một số cá nhân, tổ chức sản xuất và đăng tải tiểu phẩm, vi-đê-ô clíp trên các trang mạng xã hội có nội dung, hình ảnh phản cảm không phù hợp bản sắc, truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS).

Ủy ban Dân tộc đã có công văn gửi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Theo đó, các tiểu phẩm nêu trên được chia sẻ rộng rãi trên không gian mạng là thiếu tôn trọng, đi ngược lại chủ trương, chính sách về các DTTS của Ðảng và Nhà nước, tạo hiểu lầm về văn hóa, phong tục tập quán, gây mất đoàn kết, hiểu sai về bản sắc cũng như truyền thống văn hóa tốt đẹp của một số nhóm DTTS.

Ủy ban Dân tộc cũng đưa ra trường hợp vi phạm điển hình là A Hy TV, một kênh trên Youtube có hơn 720 nghìn lượt theo dõi. Chỉ cần lướt qua tên gọi các tiểu phẩm vi-đê-ô clíp trên kênh này như: Anh thô lỗ gặp chị vô duyên, Tộc lừa Kinh bán thịt lợn ôi và cái kết, Tộc bán đào Tết lừa Kinh, Ði ngắm hoa dã quỳ bắt gái bản về làm vợ và cái kết có một không hai,…; đã đủ nhận thấy sự nhảm nhí đến vô duyên cũng như ý đồ giễu cợt của những người thực hiện. Ở đó, hình ảnh đồng bào DTTS hiện lên ngây ngô, ngờ nghệch, thiếu hiểu biết, dễ bị lừa, nhưng lại thích đi lừa người khác. Thậm chí, có những tiểu phẩm cố tình sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh lố lăng, tục tĩu và các thông tin sai lệch để chọc cười, thu hút lượt xem càng nhiều càng tốt nhằm thu lợi. Ðiều đáng nói là bên cạnh A Hy TV, trên môi trường mạng cũng có không ít vi-đê-ô clíp hài nhảm nhí, khai thác sai về bản chất tốt đẹp trong phong tục truyền thống của đồng bào các DTTS, dùng hình ảnh của họ để gây cười. Việc hưởng lợi từ khai thác sai lệch hình ảnh, văn hóa đồng bào DTTS đã cho thấy sự thiếu hiểu biết và kém văn hóa cũng như sự thiếu ý thức của những người thực hiện. Càng đáng báo động hơn khi người xem chủ yếu của những kênh này lại là các bạn trẻ, nhóm đối tượng đang cần được định hướng về năng lực thẩm mỹ cũng như bồi dưỡng về tri thức. Vì thế, nếu tiếp tục để những tiểu phẩm dạng này được phổ biến sẽ dễ hình thành những định kiến ở các giới trẻ về người DTTS, đồng thời gây hiệu ứng ngược đối với những tộc người thiểu số.

Thực trạng nêu trên đòi hỏi những biện pháp xử lý nghiêm và nhanh. Bên cạnh việc xử phạt đơn vị vi phạm, cần xem xét trách nhiệm của các bên liên quan trong việc xét duyệt, quản lý thông tin đăng tải trên không gian mạng. Việt Nam đã xây dựng những điều khoản cụ thể trong Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định 05/2011/NÐ-CP của Chính phủ về Công tác dân tộc, Nghị định 15/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử… Có nghĩa là chúng ta đã có hành lang pháp lý đầy đủ để xử lý những trường hợp cố tình bóp méo hình ảnh, văn hóa của người DTTS, gây mất đoàn kết dân tộc. Một điều quan trọng nữa là cần nâng cao vai trò giám sát, xử lý của các ban, ngành liên quan. Bên cạnh đó, bản thân công chúng cũng cần trở thành những người dùng mạng thông thái, kiên quyết tẩy chay bằng cách nhấn nút báo cáo vi phạm đối với các vi-đê-ô clíp chứa nội dung lệch lạc. Thái độ và hành động quyết liệt của công chúng chính là giải pháp nhanh và hiệu quả để dần làm trong sạch môi trường mạng vốn đang nhiều “vàng thau” lẫn lộn.