Diễn đàn chủ nhật

Cần chế tài quản lý gameshow trên mạng

Những ngày qua, một trò chơi dành cho người Việt phát hành trên mạng in-tơ-nét đã nhận về vô số chỉ trích từ dư luận vì sự dung tục và phản cảm. Được biết, đây là gameshow được Việt hóa từ phiên bản gốc của Nhật Bản mà theo giới thiệu của nhà sản xuất, sẽ tái hiện quá trình hẹn hò thông qua những tình huống giả định khi yêu.

Tuy nhiên, thay vì trò chuyện, hỏi đáp để hiểu rõ hơn tính cách đối phương thì trò chơi này lại để người chơi lập tức tìm hiểu nhau bằng những động chạm cơ thể trước khi đi tới quyết định hẹn hò. Ở vòng đầu tiên, người chơi chính và hai ứng viên bị bịt mắt và trò chuyện cùng nhau. Đến vòng thứ hai, lần lượt từng ứng viên bước vào phòng tối cùng người chơi chính, trò chuyện và tự do hành động. Ứng viên còn lại theo dõi những cảnh này thông qua màn hình từ phòng khác…

Nhiều người cho rằng, gameshow với những hành động gây “nóng mắt” nêu trên chẳng khác gì những bộ phim người lớn trá hình. Không chỉ dung tục hóa câu chuyện hẹn hò lâu nay vốn đẹp và lãng mạn trong quan niệm người Việt Nam, chương trình có những hành vi bạo dạn quá đà của người chơi đã cổ xúy cho lối sống buông thả, phóng túng có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện nay ở một bộ phận giới trẻ, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc ta.

Trước trò chơi này, hàng loạt gameshow trực tuyến khác cũng gây phẫn nộ trong công chúng khi dùng những yếu tố nhạy cảm, thô tục, động chạm nóng bỏng của người chơi làm chất xúc tác để câu view. Thậm chí, có gameshow còn bắt người chơi thực hiện những thử thách ở cấp độ khó chấp nhận, như: lột đồ bằng răng, ăn đồ ăn đặt trên những bộ phận nhạy cảm…

Đành rằng, trong cuộc sống hiện đại, việc được chủ động thể hiện tình cảm đã cởi mở hơn, song dù “thoáng” đến mấy thì phần đông người Việt vẫn không chấp nhận những hành vi, xu hướng dễ dãi, dung tục thái quá.

Điều đáng nói, dù nhận về nhiều “gạch đá” từ dư luận, những gameshow này vẫn đang được phát hành một cách dễ dãi trên môi trường mạng, gây phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực. Nhiều ý kiến cho rằng, so với các chương trình giải trí truyền hình, đầu tư cho giải trí trực tuyến tiết kiệm hơn về chi phí mà lại có nhiều lợi thế trong tiếp cận khán giả.

Thêm nữa, đây cũng là “lãnh địa” mà dường như những chế tài quản lý chưa thể áp dụng một cách triệt để. Thế nên, in-tơ-nét trở thành mảnh đất màu mỡ để những nhà sản xuất gameshow trực tuyến đua nhau giành thị phần khán giả nhằm thu lợi bằng những yếu tố sốc, sex, sến…

Một số người chơi thiếu thận trọng trở thành những quân cờ. Một số kẻ muốn nhanh chóng nổi tiếng nhờ tai tiếng cũng có “đất” để thực hiện ý đồ. Chịu thiệt hại nhiều nhất vẫn là khán giả, đối tượng tiếp cận những sản phẩm giải trí thiếu lành mạnh.

Vấn đề ngăn chặn “rác văn hóa” xuất hiện trên môi trường mạng đã được đề cập nhiều lần, song để giải quyết dứt điểm bài toán nan giải này vẫn còn nhiều rào cản về kỹ thuật, bản quyền công nghệ…

Sau những phản ánh của dư luận và báo chí về những trò chơi dung tục nêu trên, chắc chắn đơn vị sản xuất chương trình sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Song đáng nói là tới khi bị xử phạt thì những thông tin, hình ảnh, đoạn phim dung tục về chương trình đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Do đó, điều khiến công chúng quan tâm hơn là làm thế nào để ngăn chặn sự lây lan, phát tán của những sản phẩm giải trí độc hại. Đã đến lúc cần sự vào cuộc quyết liệt để có những giải pháp đồng bộ trong quản lý nội dung gameshow nói riêng cũng như những văn hóa phẩm được phát hành trên mạng nói chung.

Các cơ quan quản lý nhà nước, mà trước hết là Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp các bộ, ngành liên quan để tạo hàng rào kiểm soát chặt chẽ, trên cơ sở tham khảo mô hình quản lý thông tin trên mạng của các nước. Đây là vấn đề liên quan mật thiết đến các yếu tố kỹ thuật và sự quản lý của những nhà cung cấp nền tảng số nước ngoài. Do đó, không thể thiếu việc tham gia của đội ngũ chuyên gia công nghệ, lực lượng an ninh mạng trên cơ sở kết nối, hợp tác quốc tế. Quan trọng hơn cả, chính những người có ý định tham gia những gameshow giải trí cần cân nhắc để không tự biến mình thành nạn nhân của những chương trình phản cảm; còn người xem cũng nên tỉnh táo để lựa chọn những gameshow “sạch”.