Bảo đảm an toàn phòng dịch khi thực hành lễ hội

Đi lễ đầu năm để cầu bình an, may mắn được xem là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc. Nhưng mùa lễ hội năm nay không thể rộn ràng như thường lệ bởi sự quay trở lại bất ngờ và phức tạp của dịch Covid-19 ngay thời điểm cận Tết Nguyên đán.

Xác định tinh thần "chống dịch như chống giặc", đặt yếu tố an toàn của nhân dân lên hàng đầu, các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương ngay lập tức đã họp bàn, liên tiếp đưa ra nhiều quyết định hủy tổ chức lễ hội, ngừng đón khách tham quan, không tiến hành khai hội… dù trước đó công tác chuẩn bị lễ hội với sự đầu tư không nhỏ về sức người, sức của đã hoàn thành. Không chỉ ở những tỉnh có dịch bệnh bùng phát mới ngừng tổ chức lễ hội, ngay cả những địa phương chưa có ca nhiễm nào cũng chỉ đạo hoãn, hủy, thu hẹp quy mô, điều chỉnh cách thức tổ chức các lễ hội trên địa bàn để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Hàng loạt lễ hội lớn trong cả nước như lễ hội chùa Hương, chùa Bái Ðính, chùa Tam Chúc, Yên Tử, khai ấn đền Trần, chợ Viềng, lễ hội Gióng… đã tuyên bố dừng tổ chức hoặc không khai hội. Một lượng lớn các chốt kiểm soát tại các địa điểm diễn ra hoạt động lễ hội, tâm linh được thành lập để nhắc nhở, xử lý những hành vi vi phạm về phòng, chống dịch. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều văn bản hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm túc các yêu cầu về phòng, chống dịch khi tới các điểm di tích, cơ sở thờ tự…

Những điều này đã khẳng định sự vào cuộc rốt ráo, khẩn trương của các cấp, ban, ngành, cơ quan quản lý văn hóa với quyết tâm cao độ không để lễ hội làm phức tạp thêm tình hình chống dịch. Việc dừng hay thu hẹp quy mô tổ chức lễ hội không chỉ là thiệt hại với địa phương, ban tổ chức mà còn gây thất thu đối với những người dân trên địa bàn cung cấp các dịch vụ liên quan. Do đó, việc chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo phòng, chống dịch của cộng đồng người dân nơi sở hữu lễ hội còn cho thấy sự đồng lòng, nhất trí, quyết tâm của nhân dân trong nỗ lực đẩy lùi Covid.

Kết quả của sự đồng tâm hiệp lực này là lượng khách đi trảy hội đã giảm hẳn so với các năm trước. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động lễ hội những ngày qua, nhiều người vẫn lo ngại về khả năng dịch có thể bùng phát mạnh hơn trong cộng đồng. Bởi ở một số nơi, tuy không tổ chức khai hội để tránh tập trung đông người song vẫn mở cửa đón khách, dẫn đến không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ nhiều người tụ tập trong một khoảng thời gian, không gian nhất định. Trong khi rất nhiều người lựa chọn không về quê ăn Tết để hạn chế lây lan dịch thì nhiều cơ sở thờ tự nổi tiếng vẫn có hàng nghìn lượt khách từ các tỉnh khác đến chiêm bái trong những ngày đầu xuân.

Con số về lượng khách du lịch những ngày Tết Nguyên đán ở một số tỉnh, thành phố sở hữu nhiều lễ hội cũng khiến nhiều người phải giật mình. Với Hà Nội là 122 nghìn lượt khách (từ ngày 10 đến 16-2), Ninh Bình là hơn 62.000 lượt khách (từ 10 đến 15-2)… Lượn qua một vòng mạng xã hội, không thiếu hình ảnh cả gia đình năm, bảy thành viên từ người già đến trẻ nhỏ tất thảy đều kéo lên chùa đi lễ; hay những hình ảnh túm năm tụm ba khấn vái mà không chú ý khoảng cách, hoặc có những người còn chưa đeo khẩu trang… Thậm chí, mới đây, Công an Hà Nội còn phải xử phạt hai người dân địa phương đã bất chấp lệnh cấm đưa khách vào chùa Hương bằng đường tắt với giá hơn một triệu đồng… Có thể thấy, đó đây, tâm lý chủ quan đối với dịch bệnh ở một bộ phận người dân khi tham dự lễ hội vẫn đang tồn tại. Và không ai dám chắc, trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp, điều này không trở thành nguy cơ khiến tình hình có thể tệ hơn, gây khó khăn cho công tác truy vết, dập dịch.

Thiết nghĩ, đi lễ hội cầu bình an là nhu cầu cá nhân không nên và không thể cấm đoán. Dịch bệnh với những diễn biến khó lường càng khiến người ta mong ước được khỏe mạnh, an lành. Song ở giai đoạn đặc biệt khó khăn của đất nước, khi mà sự an toàn của cộng đồng trở thành ưu tiên số một thì có lẽ việc thực hành lễ hội cũng cần được sắp xếp, điều chỉnh lại. Ở các điểm lễ hội, thay vì cùng lúc đón một lượng khách lớn đổ tới, có thể có giải pháp để phân chia các nhóm khách, khống chế số khách vào di tích, nơi thờ tự ở từng thời điểm sao cho bảo đảm tốt nhất các nguyên tắc phòng dịch… Với các cá nhân có nhu cầu thực hành lễ hội cũng cần nâng cao ý thức phòng dịch. Chẳng hạn, thay vì đi vài ba gia đình như trước thì nay chỉ cần người đại diện đi lễ cho cả nhà; hoặc thay vì đi lễ đầu năm thì chờ tới thời điểm khác trong năm, khi tình hình dịch ổn hơn mới tiến hành. Việc đơn giản hóa, hy sinh những nhu cầu cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng trong lúc này cũng chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân đối với toàn xã hội.