Bài học cho các cầu thủ trẻ

Thời gian qua, các đội tuyển bóng đá trẻ Việt Nam nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn và bạn bè quốc tế, và điều đó cho thấy công tác đào tạo trẻ đang được đầu tư đúng hướng, hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh sắc màu tươi sáng ấy, vẫn còn những mảng tối, ảnh hưởng tới hình ảnh đẹp của bóng đá Việt Nam, đồng thời cảnh báo nguy cơ tái diễn tiêu cực trong một bộ phận cầu thủ trẻ. Nổi cộm mới đây là vụ một số cầu thủ đội U21 Đồng Tháp vừa bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xử lý kỷ luật vì liên quan đến vụ việc tiêu cực trong trận đấu tại vòng loại giải U21 quốc gia 2019.

Quyết định của Ban Kỷ luật VFF nêu rõ, đây là án phạt do có hành vi tổ chức và tham gia cá độ, đánh bạc liên quan đến trận đấu giữa hai đội U21 Đồng Tháp và U21 Vĩnh Long ngày 19-6-2019 tại Giải bóng đá U21 quốc gia năm 2019. Tất nhiên VFF chỉ xử lý sự việc trong phạm vi bóng đá, còn những vấn đề khác phụ thuộc vào cơ quan chức năng. Theo đó, cầu thủ Huỳnh Văn Tiến của U21 Đồng Tháp bị phạt 5 triệu đồng, cấm tham gia các hoạt động bóng đá do VFF quản lý, tổ chức trong 5 năm. Mười cầu thủ khác trong đội cũng bị phạt 2,5 triệu đồng, đình chỉ đá bóng trong sáu tháng. Không chỉ vậy, Huỳnh Văn Tiến và một nhóm cầu thủ còn liên quan đến việc cá cược ở Giải bóng đá hạng nhì quốc gia năm 2019 khi thi đấu cho đội Gia Định theo dạng cho mượn. Điều đáng tiếc, lứa U21 này của Đồng Tháp đang được đánh giá là thế hệ tài năng và kỳ vọng sẽ đưa bóng đá của địa phương này trở lại V.League 1 khi liên tiếp giành ngôi vô địch ở các giải trẻ quốc gia trong những năm qua. Một số cầu thủ trẻ tài năng còn lọt vào tầm ngắm trong kế hoạch xây dựng các đội tuyển Việt Nam tương lai.

Vụ việc trên không những làm buồn lòng người hâm mộ nước nhà mà còn gợi nhớ về quá khứ của bóng đá Việt Nam với nhiều bài học từ các tiêu cực. Cách đây 15 năm, một lứa cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam từng sa vào bán độ tại kỳ SEA Games 23, khiến hàng loạt tài năng trẻ phải kết thúc sự nghiệp của mình với không ít án tù. Gần đây nhất, năm 2014, một vụ bán độ đã khiến gần chục cầu thủ Ninh Bình phải ngậm ngùi chia tay sự nghiệp, trong đó có cả những cầu thủ đầy triển vọng. Hiện tại, với án phạt của VFF, bóng đá Đồng Tháp sẽ gặp khó khăn lớn về lực lượng và khó có được thành tích cao tại Giải bóng đá U21 quốc gia năm 2020 mà họ là chủ nhà cũng như tại Giải bóng đá hạng nhất quốc gia 2020. Dính vào tiêu cực, các cầu thủ không những nguy cơ đánh mất tương lai, mà còn gây không ít hệ lụy cho sự phát triển cũng như uy tín của câu lạc bộ mà họ phục vụ.

Việc tổ chức và tham gia cá độ, đánh bạc của các cầu thủ U21 Đồng Tháp chỉ là một biểu hiện cho thấy khả năng tái diễn các tiêu cực (từng vốn đã diễn ra) nếu VFF không có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc, đồng thời thúc đẩy công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cầu thủ trẻ. Lâu nay, các giải bóng đá trẻ và giải chuyên nghiệp hạng dưới cũng thường ít được quan tâm hơn và có phần nào buông lỏng, quá nương tay trước các vi phạm. Chỉ đến khi bị phanh phui và báo chí vào cuộc ráo riết thì các vụ việc tiêu cực mới được xem xét và xử lý. Ngay cả lãnh đạo các đội bóng cũng thiếu quyết liệt trước các tiêu cực của cầu thủ trẻ và có phần bao che khi cho rằng họ còn trẻ, không muốn xử nặng làm thui chột tài năng, ảnh hưởng đến sức mạnh của đội bóng.

Có thể nói, tiêu cực trong bóng đá Việt Nam, cho đến nay vẫn tồn tại, len lỏi trong đời sống bóng đá dưới nhiều hình thức. Để chấm dứt tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của xã hội và người hâm mộ, xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực trong bóng đá, VFF cần có những biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn và xử nghiêm những hành vi lôi kéo, tham gia cá độ, bán độ, nhất là với các lứa cầu thủ trẻ. Thậm chí, nếu đủ các yếu tố cấu thành, các cơ quan chức năng có thể buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự về những hành vi sai trái của mình.