Chương trình “Bài hát Việt”: Chờ đợi một cuộc cách tân

Thành công ở mảng dân gian đương đại

Trong lễ trao giải “Bài hát Việt 2007”, hai ứng viên sáng giá cho giải thưởng ca khúc mang phong cách dân gian đương đại tiêu biểu là “Con cò” của Lưu Hà An và “Độc huyền cầm” của Bảo Lan đều giành được những giải thưởng quan trọng của Hội đồng thẩm định.

“Con cò” đã được trao giải thưởng lớn nhất – “Giải Bài hát của năm”, lại thêm hai giải thưởng khác do khán giả bình chọn là “Bài hát được yêu thích nhất” và ca sĩ thể hiện xuất sắc ca khúc này-Tùng Dương-nhận giải thưởng “Ca sĩ được yêu thích nhất”. Điều đó khẳng định chiến thắng tuyệt đối của “Con cò”.

Ca khúc không những thuyết phục được Hội đồng thẩm định, mà còn chiếm trọn tình cảm của khán giả yêu nhạc. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại trong một ca khúc giàu cảm xúc và tính nhạc đã tạo ra lực hút và sức lay động lòng người của “Con cò”.

Là người Việt, nghe “Con cò” vừa xót xa, thương cảm trước hình ảnh thân cò lặn lội canh khuya kiếm sống, lại vừa tràn đầy hứng khởi và hy vọng khi đàn cò “ngẩng đầu vượt gió, sải rộng cánh bay, bay về phía mặt trời”.

Trong thành công “Con cò”, ca sĩ Tùng Dương đã đóng góp tới 70%, nhạc sĩ Lưu Hà An đã cho là vậy. Và ngoài Tùng Dương, anh cũng chưa nghĩ ra một ai khác có thể thể hiện ca khúc này một cách có hồn và xuất sắc như thế.

“Độc huyền cầm” của Bảo Lan giành ngôi “Bài hát mang phong cách dân gian đương đại nổi bật” một cách thuyết phục. Đẹp về giai điệu và ca từ, “Độc huyền cầm” là ca khúc hay nhất trong album “Cánh mặt trời” của nhóm “Năm dòng kẻ”.

Phảng phất chất ca trù pha trộn với âm nhạc hiện đại theo thể world music, “Độc huyền cầm” lại có bản phối khí khá “độc” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh và thêm cách chia bè rất công phu của “Năm dòng kẻ”, đã tạo nên một hiệu ứng âm thanh thật thú vị. Với lời ca là những nỗi niềm chất chứa, quyện trong khúc nhạc sầu của huyền cầm, của lòng người, ca khúc này đã mang lại cho người nghe nhiều rung cảm thẩm mỹ và để lại nỗi ám ảnh khó phai: “Thảng thốt, mong manh, đàn cao vút”.

Năm của các tác giả nữ

“Bài hát Việt 2007” để lại ấn tượng sâu đậm với sự vươn lên khẳng định mình một cách mạnh mẽ của các nữ tác giả còn rất trẻ, thuộc thế hệ 8x, 9x. Chưa năm nào các nữ tác giả lại được xướng danh nhiều lần trong lễ trao giải “Bài hát Việt” như năm nay. Có tới 5 trong 6 tác giả nữ có ca khúc tranh giải “Bài hát Việt 2007” nhận được giải thưởng.

Đặc biệt, phái nữ đã giành được 3/7 giải thưởng của Hội đồng thẩm định. Đó là Lưu Thiên Hương, chủ nhân giải “Bài hát mang phong cách poprock nổi bật” với ca khúc “Quạt giấy”. Là Bảo Lan, tác giả của “Độc huyền cầm” nhận giải “Bài hát mang phong cách dân gian đương đại nổi bật”. Là Trịnh Minh Hiền với “Nhạc sĩ ấn tượng”. Bên cạnh các nhạc sĩ đàn chị, 2 nữ tác giả tuổi đời còn rất trẻ Sa Huỳnh và Lê Yến Hoa cũng kịp để lại dấu ấn trên sân khấu “Bài hát Việt” với giải thưởng “Nhạc sĩ trẻ triển vọng” do báo Tuổi trẻ trao tặng.

Lê Yến Hoa vừa tốt nghiệp trung học, đã gặt hái được thành công với ca khúc đầu tay “Cây vĩ cầm”. Còn Sa Huỳnh đang là sinh viên năm thứ 2 Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, và ca khúc “Về ăn cơm” của cô từng được khán giả bầu chọn là ca khúc được ưa thích nhất trong liveshow tháng 9-2007.

Cũ và mới

Năm nay, “Bài hát Việt” được đánh giá là có mặt bằng sáng tác với trình độ âm nhạc cao hơn, đa dạng về phong cách với những sự thể nghiệm nhiều phong cách âm nhạc thế giới. Jazz có, pop có, rock có, poprock có. Lạ tai hơn với phần đông công chúng nghe nhạc người Việt, những phong cách R&B, World music… cũng đã được thể hiện. Nhưng dường như vẫn thiếu sự tinh lọc cần thiết cho sự du nhập âm nhạc nói riêng và văn hóa nói chung một cách có chiều sâu. Sự đầu tư công nghệ chưa đúng mức đã làm lu mờ cái đẹp tự nhiên của âm nhạc, như nhạc sĩ An Thuyên, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhận xét. Vả chăng, kỹ thuật chỉ là phương tiện, hồn vía của ca khúc mới là yếu tố quyết định sức sống của ca khúc.

Mặc dầu tiêu chí của “Bài hát Việt” là đi tìm cái mới cho ca khúc Việt Nam đương đại. Thế nhưng, người ta đã bắt gặp những cái cũ ở “Bài hát Việt 2007”. Một số tác giả lặp lại mình. Mà theo lời của một thành viên Hội đồng thẩm định, “có người cũ xưa đến giật mình”.

Dấu hiệu của sự cũ kỹ đã được nhạc sĩ An Thuyên nhắc đến ngay trong bài phát biểu tổng kết Bài hát Việt 2007. Cũ từ Hội đồng thẩm định, cũ đến fomart chương trình, kịch bản các show diễn, và đến cả lễ trao giải.

Làm mới bản thân mình là việc làm không hề dễ, nhưng cần thiết để thoát khỏi sự nhàm chán. “Bài hát Việt” những năm tới cần có những phiên bản mới, những ê kíp mới để trở nên hấp dẫn hơn. Các tác giả cũng cần làm mới mình một cách mạnh mẽ hơn mới hy vọng cho ra đời những ca khúc chất lượng. Lê Minh Sơn đã rất thành công trong việc này. Minh chứng rõ ràng nhất chính là nhạc sĩ này đã được nhận “Giải thưởng dành cho nhạc sĩ có nhiều tìm tòi, sáng tạo” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng (ca khúc “Mưa phùn”).

“Bài hát Việt 2007” đã quy tụ được một đội ngũ các tác giả trẻ có nhiều triển vọng. Chủ nhân của các giải thưởng năm nay đa phần còn rất trẻ. Có thể kể ra những cây bút đoạt giải ở thế hệ 8x như Bảo Lan, Nguyễn Duy Hùng, Sơn Thạch, Trịnh Minh Hiền, Nguyễn Đức Cường, Lê Yến Hoa, Sa Huỳnh… cả những cây bút, tuy chưa nhận giải, nhưng có nhiều tiềm năng như Hồ Hoài Anh, Tăng Nhật Tuệ, Nguyễn Xinh Xô, Dương Cầm, Mạnh Quân…

Hy vọng, đội ngũ sáng tác này sẽ bằng sức trẻ, sức vươn và sức sáng tạo của mình để tạo ra những ca khúc có sức sống lâu, sống sâu như những người yêu nhạc vẫn hằng mong đợi.