Ðể người dân nông thôn bớt phải vay nóng

NDO - Vài năm trở lại đây, dịch vụ cầm đồ, cho vay bung mạnh ở khu vực nông thôn. Mặc dù đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân, song tình trạng "dễ vay, nhưng khó trả", đang là bài toán khó với nông dân hiện nay.

Bởi với mức lãi suất trên dưới 5%/tháng, người làm nông nghiệp chỉ trông vào thu nhập chẳng mấy ổn định từ mảnh ruộng trồng manh mún vài loại cây, nuôi vài con lợn, gà, cho nên để trả lãi hằng tháng, đã khó khăn, chứ chưa nói gì tới trả gốc.

Anh Nguyễn Văn Hải tại xã An Thọ (An Lão, Hải Phòng) có nhu cầu vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi gia cầm. Anh đã đến quỹ tín dụng nhân dân xã tìm hiểu thủ tục, nhưng do bị vướng mắc ở vài khâu thế chấp, nên không vay được. Cuối cùng, anh Hải chấp nhận vay nóng của "người quen" là chủ hiệu cầm đồ trên địa bàn xã 30 triệu đồng, lãi suất 4%/tháng, thế chấp bằng giấy tờ nhà. Sở dĩ phải nhận vay với mức lãi suất trên, vì theo tính toán của anh, dăm bữa, nửa tháng sẽ vay được tiền từ quỹ tín dụng. Khi đó, anh Hải sẽ thanh toán bớt khoản nợ, giảm tiền lãi phải trả hằng tháng. Hoặc cùng lắm gánh lãi một vài tháng, bán gia cầm, anh sẽ trả được nợ. Tuy nhiên sau vài tháng chăn nuôi, bị bệnh dịch, đàn gia cầm chết hàng loạt. Anh Hải lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần...

Hiện nay, mặc dù hệ thống ngân hàng đã về các vùng quê, nhưng không phải người dân nào cũng hiểu về tín dụng ngân hàng. Thêm vào đó, những điều khoản "chặt chẽ"của ngân hàng trong việc cho vay vốn cũng khiến nhiều người khó tiếp cận, nhất là nông dân.

Thực trạng này đẩy nhiều nông dân nói chung và những người dân ở khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long nói riêng vào cảnh phải vay vốn từ tín dụng "đen"... Ðược biết, phần lớn nông dân tại khu vực này không có đất, mà hầu hết phải thuê đất để sản xuất và vốn đầu tư cho cây trồng, vật nuôi chủ yếu vay từ tín dụng "đen". Lãi suất của loại hình vay vốn này cao, đã đẩy nhiều người vào tình trạng trắng tay khi đến vụ thu hoạch, thậm chí có người phải bán "lúa non" để trả nợ, khiến tình trạng nợ nần ngày càng chồng chất. Không ít nông dân ở nhiều vùng nông thôn khác cũng rơi vào cảnh vừa gặt xong là phải trả nợ hết cho vụ gặt trước.

Vì vậy, nhu cầu vay vốn để sản xuất của người dân rất lớn, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi mà sản xuất nông nghiệp luôn phải lo đối phó với thiên tai và dịch bệnh. Song không phải trường hợp nào cũng đáp ứng yêu cầu về thủ tục của các ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp hay quỹ tín dụng. Ðôi khi chỉ vì cần gấp một khoản tiền không lớn lắm để lo việc học hành của con, giải quyết chuyện gia đình..., thậm chí trả nợ mà họ đành chấp nhận vay lãi có thế chấp hoặc vay nóng với mức lãi suất "cắt cổ" để rồi bị lâm vào tình trạng khốn khó hơn. Nhiều hộ chỉ vay mấy triệu đồng mà làm cật lực cả tháng cũng chỉ đủ trả tiền lãi. Nhiều gia đình vừa xong mùa gặt thì thóc gạo cũng "đội nón" ra đi. Có gia đình phải bán đất, bán nhà để trả nợ... Ðây là vấn đề xã hội rất cần được các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm, đề xuất biện pháp duy trì sự bền vững của công tác xóa đói, giảm nghèo. Nhưng để làm được điều này, bên cạnh việc quản lý hoạt động của dịch vụ cầm đồ, vấn đề quan trọng hơn là chính quyền địa phương cần chủ động kiểm tra hoạt động kinh doanh, xử lý kịp thời khi phát hiện vi phạm; thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu hậu quả của vay nóng hay còn gọi là vay nặng lãi...

Các ngành chức năng cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.