Vướng vẫn hoàn… vướng

Câu chuyện lùm xùm nâng điểm thi tốt nghiệp THPT năm ngoái tưởng đã lùi vào quá vãng, bỗng được xới xáo lại khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chi tiết gian lận thi cử tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đúng vào thời điểm khi học sinh cả nước đang đứng trước thềm kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Sau vụ gian lận điểm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chấm thẩm định bài thi nghi vấn. Kết quả cho thấy Hà Giang có 114 thí sinh được nâng điểm; Hòa Bình có 63 thí sinh năm 2018 và một thí sinh năm 2017 được nâng điểm; Sơn La có 44 thí sinh có sự can thiệp điểm. Ngay sau đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng nảy sinh dư luận trái chiều. Một luồng ý kiến cho rằng nên công khai danh sách thí sinh liên quan gian lận, vì các em có đầy đủ quyền công dân, đủ nhận thức được trách nhiệm, có như thế mới mang tính răn đe, bảo đảm công bằng cho hàng triệu thí sinh khác. Lại một luồng ý kiến cho rằng các thí sinh có lỗi, nhưng lỗi chủ yếu là của người lớn, do vậy, thay vì công khai danh tính thí sinh, cần công khai danh tính các bậc phụ huynh liên quan việc nâng điểm thi này, làm rõ trách nhiệm của những phụ huynh học sinh hoặc người tác động đến những người có thẩm quyền để sửa điểm thi…

Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có câu trả lời thì cũng chuyện gian lận điểm thi này đang làm nảy sinh hàng loạt vấn đề phức tạp khác. Theo quy chế, thí sinh sẽ bị xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển và buộc thôi học nếu có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm trúng tuyển của trường. Vì lý do này, các trường thuộc khối công an đã trả về 53 em, Trường đại học Y Hà Nội và Trường đại học Kinh tế quốc dân, mỗi trường buộc thôi học hai sinh viên. Với các thí sinh có điểm chấm thẩm định (chấm lại) thấp hơn điểm trúng tuyển thì buộc thôi học đã đành. Nhưng xử lý ra sao với thí sinh bị phát hiện gian lận nhưng điểm chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển; rồi điểm trong tổ hợp các môn xét vào các trường đại học thì đủ điểm xét tuyển, nhưng điểm các môn thi khác khi chấm thẩm định lại bị hạ… Nếu tiếp tục cho học thì có đúng với quy chế không?

Chưa hết, ngày 12-4, đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, theo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, các thí sinh liên quan vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La và Hòa Bình vẫn có thể được đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019. Tuy nhiên, nếu kết quả điều tra xác định thí sinh nào sai phạm thì sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý ở mức độ phù hợp theo quy định pháp luật. Hiện tại, theo Cục Quản lý chất lượng, các sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La, Hòa Bình vẫn được điều tra, hoàn thiện, củng cố hồ sơ để xử lý theo pháp luật. Như vậy là các thí sinh liên quan vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 nếu dự thi năm 2019 vẫn trong trạng thái nơm nớp. Mọi chuyện sẽ ra sao nếu các thí sinh này bị phát hiện ra sai phạm của năm 2018 sau khi đỗ tốt nghiệp THPT năm 2019 và đủ điểm xét tuyển vào đại học?

Nguyên do của những rắc rối này nằm ở việc Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT chưa có quy định về việc xử lý thí sinh gian lận điểm thi tại khâu chấm thi. Và vì chưa có quy định nên từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến các trường đại học vướng vẫn hoàn… vướng. Dư luận đang chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung chế tài xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thi cử nhằm bảo đảm công bằng, minh bạch cho các kỳ thi tiếp theo.