Vị thế mới, động lực mới

Đất nước ta vừa đi qua một năm nhiều khó khăn, vất vả, cũng là một năm đầy vinh dự và thử thách ở cương vị Chủ tịch ASEAN, đồng thời là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Một năm đương đầu dịch dã liên miên, thiên tai khốc liệt. Một năm sôi nổi thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, hoàn tất mục tiêu đặt ra của nhiệm kỳ 2015 - 2020, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII… Xuyên suốt năm đáng nhớ này, những kết quả đạt được vừa xác lập vị thế, vừa tạo động lực mới cho đất nước.

Tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng” được Việt Nam thể hiện mạnh mẽ trong hợp tác, xây dựng cộng đồng, dẫn dắt ASEAN ứng phó hiệu quả dịch Covid-19. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam tạo dấu ấn bằng sự kiện ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), khai mở thị trường lớn với 2,2 tỷ dân, GDP chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam thúc đẩy nhiều sáng kiến trách nhiệm và cân bằng, tuân thủ Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, chia sẻ kinh nghiệm tái thiết, phát triển và hội nhập, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện ASEAN - LHQ.

Suốt cả năm 2020, dịch Covid-19 trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng diễn biến phức tạp, khó lường. Trên phạm vi toàn cầu, kinh tế nhiều nước rơi vào suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm; thương mại thế giới sụt giảm nghiêm trọng; thị trường tài chính biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nước ta cũng chịu những tác động trên mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, khi cùng với dịch bệnh, thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra, cường độ rất mạnh và để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cả về người và của.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn hệ thống chính trị, đồng bào, chiến sĩ… đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, cơ bản kiểm soát dịch bệnh, khắc phục thiệt hại, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Cả nước phát huy tinh thần tương thân, tương ái hỗ trợ các địa phương “chữa lành vết thương” thiên tai, ổn định đời sống, sản xuất. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có tiến bộ; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được bảo đảm; công tác giảm nghèo, ưu đãi người có công, người có hoàn cảnh khó khăn; chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai tích cực. Việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng được thực hiện khẩn trương, đúng quy định, đạt chất lượng cao.

Đáng tự hào khi Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá là điểm sáng phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Dự kiến, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 từ 2,5% đến 3%, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, môi trường đầu tư, kinh doanh, cán cân thương mại được cải thiện, chuyển từ thâm hụt sang thặng dư… 

Kết quả đó có được là nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Những kết quả đó, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 14, “không chỉ tạo ra dấu ấn nổi bật, là điểm tựa cho những năm tiếp theo mà còn tạo ra niềm tin, khí thế mới để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, tận dụng thời cơ đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới”.