Vì sự nghiệp trăm năm

Trong những ngày qua, các đại biểu dự Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV thảo luận sôi nổi chung quanh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cho thấy vấn đề được coi là “quốc sách hàng đầu” tạo nền tảng cho sự phát triển được cả xã hội rất quan tâm, coi trọng bởi phần lớn đại biểu cũng là những phụ huynh có con, cháu, người thân đang trực tiếp thụ hưởng từ nền giáo dục và đào tạo nước nhà.

Không thể phủ nhận, nền giáo dục của chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực thời gian qua. Báo cáo Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới mới công bố cho thấy 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thật sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam. Đây quả là một tin vui khi chúng ta có quyền tự hào rằng, chỉ số thông minh của học sinh Việt Nam luôn ở mức cao.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, nền giáo dục từ phổ thông tới đại học ở nước ta còn tồn tại nhiều bất cập. Từ việc liên tục thay đổi cách thức thi cử tới nội dung sách giáo khoa; từ Đề án đổi mới phương pháp dạy và học theo mô hình VNEN tới Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, Đề án 911 đào tạo 23 nghìn tiến sĩ tới năm 2020 thất bại; tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan chưa được xử lý dứt điểm; những bất cập chung quanh quy chế xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp bị mai một khi những biểu hiện tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều trong quan hệ giữa đội ngũ thầy cô giáo và học sinh, giữa phụ huynh và đội ngũ giáo viên, v.v. cho thấy những chỉ số thông minh của người Việt Nam vẫn chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả và có quá nhiều điều cần phải điều chỉnh, sửa đổi một cách căn bản.

Mục tiêu của nền giáo dục và đào tạo hiện nay vô cùng quan trọng, đó là sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước có đầy đủ trí tuệ, đạo đức, nhân cách và có chiều sâu văn hóa để có thể hội nhập thành công trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng khi bước vào kỷ nguyên thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Điều đó đòi hỏi những người làm công tác quản lý giáo dục và giáo dục phải có tầm nhìn xa trong soạn thảo, ban hành luật về giáo dục và đào tạo phù hợp thực tiễn.

Cần có những tiêu chí cụ thể, mang tính nền tảng trong việc ban hành quy chế thi cử, biên soạn sách giáo khoa thật sự khoa học và dài hạn để tránh việc liên tục thay đổi hình thức thi cử và sách giáo khoa làm học sinh và phụ huynh lúng túng, lãng phí tiền của của nhân dân, gây bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, việc xây dựng chương trình dạy và học phải cân đối giữa bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho học sinh với truyền thụ cho các em truyền thống yêu nước, hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc và nhân cách làm người, lý tưởng sống và cống hiến vì dân tộc, vì Tổ quốc.

Nếu chúng ta muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, thì phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Mà việc đào tạo những con người xã hội chủ nghĩa lại phụ thuộc vào nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.