Vẹn cả nhiều bề!

Những năm trở lại đây, nhiều sản phẩm của Việt Nam, do Việt Nam sản xuất có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Nhưng không ít trường hợp hàng hóa sản xuất tại nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài gắn “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.

Ðáng chú ý việc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng lụa giả mạo xuất xứ một thời gian dài, cụ thể là gắn mác sản xuất tại Việt Nam cho sản phẩm khăn lụa được sản xuất tại Trung Quốc. Chuyện được phát giác khi khách hàng tình cờ nhận ra trong lô sản phẩm của công ty này, có một mặt hàng vừa gắn “Made in Vietnam”, vừa có nhãn “Made in China”. Cuối tháng 7 vừa qua, cơ quan chức năng TP Hà Nội bắt quả tang một doanh nghiệp làm giả xuất xứ mặt hàng máy bơm nước để trục lợi…

Các trường hợp nói trên, vi phạm là rõ ràng. Song, với trường hợp liên quan một doanh nghiệp hàng gia dụng điện và điện tử có tiếng gần đây, mọi việc không đơn giản. Báo chí đặt dấu hỏi có hay không việc công ty đó nhập hàng về rồi thay đổi xuất xứ hàng hóa, đánh lừa người tiêu dùng. Phản hồi lại, doanh nghiệp cho rằng họ nhập linh kiện từ nước ngoài nhưng không đơn thuần lắp ráp mà tự sản xuất khoảng 30% - 40% linh kiện, tự thiết kế bảng mạch; cũng vì thế trên sản phẩm, công ty ghi “xuất xứ Việt Nam”; rằng họ không liên quan công ty nhập khẩu hàng hóa “đội lốt” thương hiệu của mình… Câu chuyện phức tạp khiến cơ quan chức năng chưa kết luận được công ty nói trên có vi phạm hay không.

Việc ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo Nghị định số 43/2017/NÐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định 43 chỉ quy định cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu, yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và tự ghi xuất xứ đối với hàng hóa, mà chưa quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam”. Và thế là, người tiêu dùng đơn thuần hiểu “Made in Vietnam” là sản xuất tại Việt Nam, còn các doanh nghiệp, nhà quản lý có lẽ cũng suy nghĩ tương tự nên không xác định “hàm lượng Việt Nam” trong hàng hóa, sản phẩm.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, việc thiếu quy định như thế nào được coi là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” không chỉ gây lúng túng mà còn tạo hệ lụy đối với nền sản xuất quốc gia. Trong khi có tổ chức, cá nhân không biết ghi thế nào về xuất xứ trên nhãn sản phẩm, lại cũng có tổ chức, cá nhân chỉ gia công, lắp ráp, chế biến tại Việt Nam cố tình gắn nhãn “sản xuất tại Việt Nam”… Việc này khiến người tiêu dùng thắc mắc, doanh nghiệp làm ăn chân chính thiệt thòi, các cơ quan chức năng không có căn cứ phân xử.

Để siết chặt quản lý, minh bạch thông tin, ngăn chặn hành vi lừa dối người tiêu dùng, Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Rõ ràng, một văn bản quy phạm pháp luật về việc này là vô cùng cần thiết. Chỉ khi có tiêu chí cụ thể mới khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng Việt Nam, xây dựng thương hiệu; người tiêu dùng được bảo đảm quyền lợi; cơ quan chức năng có cơ sở xử lý trường hợp vi phạm. Như vậy là vẹn cả nhiều bề!