Văn hóa giao thông

Thời gian gần đây, trong xã hội nổi lên hiện tượng một số người khi tham gia giao thông xảy ra va quệt bình thường hay có mâu thuẫn nhỏ là sẵn sàng tự xử lý bằng cách “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người khác, không cần phân biệt phải trái, không cần lực lượng chức năng tới giải quyết. Ðã có những cuộc hỗn chiến xảy ra khiến người thì mất mạng, người sa vào cảnh tù tội.

Mới đây, ở Hà Nội, nhiều hành khách hoảng hồn chứng kiến lái xe buýt và lái xe ôm công nghệ ẩu đả. Nguyên nhân được cho là do va chạm giao thông giữa xe máy và xe buýt trước đó. Bất chấp người dân can ngăn, lực lượng chức năng yêu cầu dừng lại, hai người này vẫn chốt cửa xe buýt, xử lý mọi việc bằng nắm đấm. Khi cửa xe mở ra để hành khách đi xuống, cả hai mới ngừng lại và tất nhiên đều chịu thương tích đáng kể. Cũng đầu tuần này, trên đường Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhiều người ngao ngán trước việc một lái xe ô-tô, khi bị góp ý vì đi vào đường một chiều, hùng hổ xuống xe chửi bới, đánh người “dám” nhắc nhở mình. Ðáng tiếc, có những vụ va chạm giao thông đơn giản nhưng lại dẫn đến chuyện tày đình, như vụ hai người đi xe máy va vào nhau ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương hồi giữa tháng 8 năm nay. Lời qua tiếng lại, cả hai lao vào xô xát. Một người cầm mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu người kia khiến nạn nhân tử vong.

Theo dõi trên mạng xã hội hay phương tiện thông tin đại chúng đều có thể thấy bạo lực xuất phát từ các tình huống giao thông tăng lên đáng kể. Từ việc bị tạt đầu giành đường, lấn làn, lạng lách, bật đèn pha làm chói mắt, bấm còi liên tục,… cho tới va chạm phương tiện đều là những lý do khiến người tham gia giao thông dùng tới bạo lực. Có kẻ còn thủ sẵn vũ khí để khi gặp chuyện mang ra xử. Bên cạnh đó, cũng có người “cả giận mất khôn”, có thể do tài sản bị hỏng hóc, giao thông tắc nghẽn, áp lực trong công việc, cuộc sống,… khiến họ không giữ bình tĩnh trước những va chạm nhỏ. Thông thường, người tuân thủ luật pháp lại phải gánh chịu hậu quả trong cuộc đối đầu với những kẻ côn đồ, coi thường pháp luật.

Bạo lực rõ ràng không thể giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong giao thông. Ðể xây dựng môi trường giao thông an toàn, điều cần thiết là phải đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa giao thông với vai trò là bộ phận cấu thành văn hóa ứng xử nơi công cộng. Về phía người tham gia giao thông là sự tự giác chấp hành quy định pháp luật về giao thông, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, ứng xử văn minh, nhân văn, có tình, có lý khi tham gia giao thông.

Không kể đối tượng cố tình coi thường pháp luật, một trong những lý do khiến một số người lựa chọn tự xử bằng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong giao thông là do chưa có được lòng tin ở vai trò trọng tài của lực lượng chức năng. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng chế tài đủ mạnh và có tính răn đe, xử lý nghiêm những kẻ hành xử côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật, lực lượng điều tiết, điều phối, giám sát, quản lý giao thông cần nắm chắc pháp luật, giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, linh hoạt khi phát hiện xảy ra va chạm, tai nạn giao thông. Trong nhiều trường hợp, cảnh sát giao thông có thể tham gia hòa giải, hỗ trợ các bên thỏa thuận bồi thường thiệt hại…

Như vậy, chuẩn mực văn hóa giao thông nên được tạo dựng từ hai phía: người tham gia giao thông và lực lượng chức năng. Những giá trị đó được tuân thủ sẽ vừa giúp giảm tai nạn giao thông, giảm hành động bạo lực bắt nguồn từ giao thông, vừa góp phần hình thành xã hội an toàn, văn minh, hiện đại.