Vẫn chuyện biết rồi… khổ lắm

Theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu là một trong 10 nguy cơ đe dọa sức khỏe toàn cầu, cứ 10 người dân trên thế giới thì có chín người hằng ngày hít thở không khí ô nhiễm ở mức độ cao; các chất ô nhiễm vi mô trong không khí có thể xâm nhập hệ hô hấp và tuần hoàn, gây ra bệnh ung thư, đột quỵ, tim và phổi…, ước tính khiến 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm.

Nhận thức tác động nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đối với sự phát triển và đời sống dân sinh, nước ta đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí. Thời gian qua, các cơ quan nhà nước ban hành, từng bước hoàn thiện, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan môi trường. Trong đó, đáng chú ý là Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2015, Nghị định 155/2016/NÐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… cũng như các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nguyên tắc bảo vệ môi trường.

Cùng việc thực thi chính sách pháp luật liên quan môi trường, nhiều tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động như: tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải; tập trung nguồn lực giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường; kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải; lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý chất thải; đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất tại các cơ sở sản xuất công nghiệp… Nhiều địa phương chủ động tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực.

Ðáng mừng là chất lượng không khí tại một số thành phố lớn trong cả nước được cải thiện. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian gần đây, kết quả quan trắc môi trường không khí cho thấy, các thông số môi trường trong không khí có giá trị khá thấp, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN)… Tuy nhiên, chưa kịp mừng lại đã lo. Vì điều đáng nói là nồng độ bụi cục bộ tại một số khu vực trong một số đô thị, đặc biệt, tại các đô thị lớn vượt QCVN. Nồng độ bụi trong không khí gia tăng gắn với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, chủ yếu bởi các hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng, dân sinh...

Theo các chuyên gia, bằng cách này hay cách khác, nguyên nhân vẫn do con người gây nên. Ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường sống đang là nguy cơ lớn đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được bảo vệ môi trường như thế nào. Nhiều người xả rác, chất thải ra nơi công cộng do thói quen, do tiện tay, do coi bảo vệ môi trường là trách nhiệm của người khác. Từng có những ngày hội về môi trường được tổ chức, nhưng kết thúc hội, rác vẫn ngập tràn. Lại cũng có những biện pháp bảo vệ môi trường khi đưa ra nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, như ghi hình để xử phạt hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng. Thế nhưng, không ít người khi bị phát hiện, bị ghi hình, bị phạt lại phản ứng dữ dội…

Bởi thế, dù nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm… nói mãi" nhưng chừng nào mỗi cá nhân chưa tự điều chỉnh chính mình từ những việc làm nhỏ nhất, chừng đó chất lượng không khí còn chưa có cơ hội được cải thiện. Ðó cũng là lý do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đưa ra chủ đề "Ô nhiễm không khí" cho Ngày Môi trường thế giới năm nay, nhằm kêu gọi các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.​