Tự tin ra biển lớn

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV đang bàn thảo việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Đây là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế thế giới.

Gia nhập CPTPP, nước ta sẽ có điều kiện thâm nhập thị trường rộng lớn của 11 quốc gia có tổng GDP 11 nghìn tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu là 10 nghìn tỷ USD, dân số thị trường là 500 triệu dân. Đây là một tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước phát huy lợi thế, đổi mới phương thức sản xuất và sáng tạo để tạo nên những sản phẩm có giá trị. Đồng thời, việc ký kết hiệp định này cũng tạo đà để chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc ký kết những hiệp định thương mại, kinh tế với các tổ chức và các quốc gia khác.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cũng đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức khi trên thực tế, trình độ phát triển kinh tế của nước ta còn chênh lệch với các nước thành viên. Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin, v.v. được dự báo cũng sẽ gặp nhiều rủi ro và thách thức trong khi một số văn bản quy phạm pháp luật của nước ta chưa tương thích đòi hỏi phải có những điều chỉnh nhanh chóng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Còn nhớ, cách đây vừa tròn 12 năm, ngày 7-11-2006 tại Trụ sở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở thành phố Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ, Việt Nam đã được kết nạp trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này sau một thời gian dài 11 năm chuẩn bị với 15 vòng đàm phán. Chúng tôi, những phóng viên Việt Nam đưa tin tại sự kiện quan trọng này, không thể nào quên được cảm xúc của những giây phút lịch sử khi tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng WTO, ông Eirick Glenne, Chủ tịch Đại hội đồng WTO đồng thời là Chủ tịch Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO tóm tắt quá trình đàm phán và gõ búa thông qua các cam kết của Việt Nam với sự nhất trí của toàn thể 149 thành viên WTO, hoàn tất tiến trình 11 năm đàm phán. Tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam năm 2017 nhân kỷ niệm 10 năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO, các số liệu thống kê sơ bộ đã cho thấy những kết quả ban đầu khả quan: Quy mô xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng gấp ba lần; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần năm lần; tỷ lệ xuất khẩu so với GDP tăng từ 76,9% năm 2007 lên 93,62% năm 2016; thương mại trở thành một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Những kinh nghiệm quý khi gia nhập WTO cách đây 12 năm cho thấy, bước vào sân chơi mới, với những quy định và luật chơi mới, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ, chúng ta sẽ tự tin hơn để đóng góp tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, khẳng định nhất quán chủ trương đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh thế giới ngày càng hội nhập và gắn bó chặt chẽ hơn hiện nay. Tận dụng những cơ hội để phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững và chủ động ứng phó với những thách thức khi hội nhập đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong thời kỳ mới.