Từ chuyện tương cà mắm muối…

Mới đây, Cổng thông tin điện tử thành phố Osaka (Nhật Bản) thông báo thu hồi hơn 18 nghìn chai tương ớt có nguồn gốc từ Việt Nam do có chứa acid benzoic, một chất phụ gia thực phẩm.

Theo quy định của Nhật Bản, acid benzoic không được sử dụng trong tương ớt, nhưng kiểm tra loại tương ớt có nguồn gốc từ Việt Nam, Trung tâm y tế công cộng Osaka phát hiện hàm lượng chất này từ 0,41-0,45 g/kg. Theo cơ quan chức năng Nhật Bản, số tương ớt nhập khẩu này vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm Nhật Bản và không được dán nhãn đầy đủ để khuyến cáo người dùng.

Vụ việc kể trên khiến không ít người băn khoăn, lo lắng bởi nhãn hiệu tương ớt mà Nhật Bản vừa thu hồi được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam. Ði một vòng quanh các khu chợ, các siêu thị, trung tâm thương mại ở Việt Nam, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp mặt hàng này với mầu đỏ đặc trưng. Trong góc bếp của các bà nội trợ, không khó để tìm ra sản phẩm này. Câu hỏi đặt ra là nếu thông tin Nhật Bản thu hồi tương ớt là chính xác, liệu sản phẩm này có bảo đảm an toàn đối với người tiêu dùng Việt Nam?

Trang web của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, acid benzoic là phụ gia thực phẩm chống nấm mốc được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho phép sử dụng. Hiện có 189 thành viên, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản, áp dụng tiêu chuẩn Codex. Theo thông tư quy định về quản lý phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế Việt Nam, acid benzoic được phép sử dụng với hàm lượng 1.000mg/kg sản phẩm tương ớt, phù hợp tiêu chuẩn của Ủy ban Codex, nghĩa là an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, tùy yêu cầu của công tác quản lý thực phẩm của mỗi quốc gia mà có quy định khác nhau, lại cũng tùy thói quen sử dụng thực phẩm của người dân trong nước, lượng tiêu thụ thực phẩm khác nhau ở mỗi nước, nên có thể cùng là thành viên Codex nhưng có nước cho sử dụng, có nước không cho sử dụng; có nước cho sử dụng ở hàm lượng này, có nước cho sử dụng ở hàm lượng khác nhưng không quá quy định của Codex…

Phản hồi của cơ quan chức năng Việt Nam cho đến nay đã khá rõ ràng. Nhưng trên thực tế, vì sức khỏe của gia đình mình, của bản thân mình, người tiêu dùng cần nhiều thông tin hơn thế. Chẳng hạn, người tiêu dùng vẫn quan tâm mỗi ngày, mỗi người ăn lượng tương ớt bao nhiêu thì bảo đảm an toàn, acid benzoic có nguy hại hay không, Nhật Bản phải có lý do khi loại bỏ acid benzoic khỏi tương ớt, lý do đó là gì, nếu lý do đó hợp lý, Việt Nam có đưa acid benzoic ra khỏi danh mục phụ gia thực phẩm?... Sản phẩm tương ớt hiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, Bộ Y tế chỉ quản lý danh mục phụ gia, điều đó có nghĩa là phải cần có ý kiến của cả hai bộ… Ðó là những băn khoăn cần sớm được sáng tỏ.

Ở một khía cạnh khác, câu chuyện tương ớt còn là bài học về việc tìm hiểu quy định các phụ gia được phép sử dụng, cũng như tuân thủ việc ghi nhãn mác xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Ðành rằng Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu thường đặt ra tiêu chuẩn kỹ thuật cao, nhưng doanh nghiệp Việt Nam muốn thu kết quả thì “nhập gia phải tùy tục”. Các cơ quan quản lý Việt Nam cần phải hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp và nhanh chóng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước không chỉ là sản phẩm của một doanh nghiệp cụ thể mà có thể còn gắn với giá trị thương hiệu quốc gia. Chậm xử lý, chậm minh bạch hóa, dễ làm ảnh hưởng đến những sản phẩm khác của Việt Nam ở nước ngoài.