Tránh giải quyết phần ngọn

Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thời gian qua được nhiều cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân quan tâm. Hoạt động kiểm tra, giám sát được chú trọng, ý thức, nhận thức của người sản xuất, cung cấp thực phẩm, người tiêu dùng được nâng cao, việc bảo đảm VSATTP có chuyển biến. Tuy nhiên, nguy cơ thực phẩm không bảo đảm an toàn còn hiện hữu.

Mới đây, qua phản ánh của người tiêu dùng về việc Công ty cổ phần thực phẩm Cleverfood bán mặt hàng cá kho không bảo đảm chất lượng, Ðoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội lập biên bản xử lý hành chính, phạt 17 triệu đồng với lý do doanh nghiệp trên không phân loại, bảo quản riêng biệt sản phẩm hết hạn sử dụng với các sản phẩm phục vụ để kinh doanh, vi phạm Nghị định số 115/2018/NÐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ. Tương tự, tuần đầu tháng 4, kiểm tra ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, lực lượng chức năng bắt quả tang một cơ sở sơ chế tôm có hành vi bơm tạp chất vào tôm.

Phát hiện và xử lý sớm để ngăn chặn như trên là may mắn. Còn không ít vụ việc thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng gây hiệu quả nghiêm trọng. Vào cuối tháng 3, tại tỉnh Bình Dương có tới sáu người nhập viện do sử dụng thực phẩm chay có dấu hiệu quá hạn, nghi bị ngộ độc botulinum, một người trong số đó đã tử vong. Tình hình ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học vẫn có nguy cơ cao. Ðầu năm 2021, tại Công ty CCIPY Việt Nam thuộc Khu công nghiệp An Phú, Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, 84 công nhân phải nhập viện điều trị do ngộ độc thực phẩm.

Nhìn xa hơn một chút, mối nguy không chỉ ở những thực phẩm xuất hiện trên bàn ăn hoặc tiệm cận bàn ăn của mỗi gia đình. Có thể thấy, hiện tượng thủy sản nuôi nhiễm hóa chất, kháng sinh, kim loại nặng hoặc thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh vật vẫn tồn tại. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư chưa được kiểm soát chặt. Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe diễn biến phức tạp, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng...

Năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) chọn xây dựng Tháng hành động vì ATTP năm 2021, tập trung chủ đề “Ðảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”  từ ngày 15-4 đến 15-5. Mục tiêu là tăng cường vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP.

Dẫu vậy, phải thấy một thực tế, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ trung ương tới địa phương được tăng cường, việc xử lý vi phạm được đẩy mạnh, chế tài xử phạt được nâng cao, Luật An toàn thực phẩm cùng hàng loạt nghị định, thông tư hướng dẫn có hiệu lực, được triển khai, áp dụng, nhưng thực phẩm không bảo đảm chất lượng vẫn xuất hiện. Trong khi, có tới ba cơ quan là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Y tế cùng tham gia quản lý về VSATTP…

Tháng hành động vì ATTP thêm một lần nữa nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề. Quan trọng hơn, các bộ, ban, ngành, và địa phương phải đưa hoạt động đi vào thực chất, tránh giải quyết phần ngọn mà bỏ qua phần gốc, tăng hiệu quả công tác quản lý chất lượng VSATTP trong quá trình từ nuôi trồng, sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối đến tay người tiêu dùng. Cùng việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người sản xuất, người cung cấp, người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể, chi tiết, phân định trách nhiệm từng bộ, ngành, hạn chế sự chồng chéo các quy định pháp luật.