Trách nhiệm nêu gương

Quy định số 08-QÐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ban hành ngày 25-10-2018 quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương được dư luận xã hội rất quan tâm, ủng hộ bởi việc nêu gương luôn có ý nghĩa thiết thực và có vai trò lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội.

Dân gian ta có câu "Nhà dột từ nóc", để thấy rằng vai trò của người lãnh đạo, người đứng đầu có ý nghĩa và ảnh hưởng lớn đến như thế nào trong bất cứ môi trường, cộng đồng, xã hội nào. Trong gia đình, đó là vai trò nêu gương của các bậc cha mẹ, người lớn tuổi; trong nhà trường là vai trò nêu gương của các thầy giáo, cô giáo, các nhà quản lý giáo dục; trong cơ quan, là vai trò nêu gương của người đứng đầu; trong cộng đồng xã hội, là vai trò nêu gương của các già làng, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố, người có uy tín, v.v.

Trên thực tế, nếu người lãnh đạo, người đứng đầu có tâm, có tầm, có tài, có đạo đức, trung thực, lời nói đi đôi với việc làm sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực để truyền nhiệt huyết cho các thành viên cùng thực hiện và ngược lại việc ý thức được trách nhiệm nêu gương sẽ giúp cho người đứng đầu luôn tự soi, tự sửa mình để ngày càng hoàn thiện bản thân. Còn nếu người lãnh đạo nói không đi đôi với làm, đạo đức không trong sáng, có thái độ độc đoán, chuyên quyền, lợi ích nhóm, có lối sống xa hoa, không thường xuyên học hỏi, tu dưỡng, tất sẽ dẫn đến hệ lụy là buông lỏng quản lý và để cho cấp dưới làm ăn gian dối, "làm láo báo cáo hay" để trục lợi cho bản thân và nhóm lợi ích của mình mà quên đi lợi ích chung của cộng đồng.

Thời gian qua, rất nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị bị phát hiện, đưa ra xét xử trước pháp luật, trong đó nhiều người vi phạm là cán bộ cấp cao, Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Ðể xảy ra tình trạng trên, bên cạnh yếu tố khách quan, phần lớn những tiêu cực xảy ra thời gian dài mới bị phát hiện là do nguyên nhân chủ quan khi người lãnh đạo trực tiếp ở cơ quan, đơn vị ấy đã không những buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát mà còn cố tình vi phạm quy chế, quy định pháp luật nhằm trục lợi cá nhân, vì người thân, lợi ích nhóm. Hậu quả của những hành vi vi phạm này để lại vô cùng nặng nề khi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, tổ chức, đơn vị mất uy tín. Ðiều đau xót hơn là làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên trong chính cơ quan, đơn vị ấy, làm giảm niềm tin của nhân dân vào hình ảnh người đứng đầu.

Ðể chấn chỉnh tình trạng trên, việc nêu gương phải được tiến hành quyết liệt và đồng bộ. Trước hết, mỗi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương phải thật sự là biểu tượng của trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh, hết lòng, hết sức phục vụ Ðảng, phục vụ nhân dân. Sau đó, người lãnh đạo các cấp từ trung ương tới địa phương đều phải nêu gương, tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Trong quá trình thực hiện, vai trò nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cấp cao sẽ có tầm ảnh hưởng quan trọng và sức lan tỏa rõ rệt nhất để biến quyết tâm, chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, thật sự trở thành động lực tinh thần của xã hội hướng tới xây dựng một
xã hội văn minh, chuẩn mực và đạo đức.

Khi người đứng đầu ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi đơn vị, mỗi cộng đồng dân cư đều nêu gương sáng, nói đi đôi với làm, những hiện tượng, hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, phản cảm ắt sẽ không còn đất sống.