Trách nhiệm công dân

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch bệnh do SARS-CoV-2 (Covid-19) tại Việt Nam được kiểm soát chặt. Hoạt động cách ly người nghi nhiễm được thực hiện nghiêm túc; có 16 ca dương tính với SARS-CoV-2 được điều trị khỏi; xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) - nơi có nguy cơ thành tâm dịch, được dỡ bỏ lệnh phong tỏa... Tuy nhiên, từ ca bệnh thứ 17, thách thức mới được đặt ra buộc mỗi cá nhân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng.

Ðêm 6-3, Hà Nội ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 thứ 17. Bệnh nhân là một cô gái du lịch qua các nước Anh, Italia, Pháp và trở về Việt Nam trên chuyến bay VN0054, không khai báo y tế khi nhập cảnh. Ðến chiều tối 11-3, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Việt Nam tăng lên 39. Trong số các bệnh nhân được xác nhận có một số người tiếp xúc trực tiếp với cô gái nói trên, một số hành khách trên chuyến bay VN0054, một hành khách trở về từ Hàn Quốc trên chuyến bay VJ981, một người trở về từ Mỹ, quá cảnh ở Hàn Quốc...

Ðến nay, sức khỏe hầu hết bệnh nhân mới được điều trị cách ly ở bệnh viện đều ổn định, tiến triển tốt. Người ngồi chung các chuyến bay có hành khách dương tính với SARS-CoV-2, những người tiếp xúc với họ đang được xác định, được xét nghiệm, theo dõi sức khỏe, đưa vào cách ly. Các khu vực bệnh nhân đến và lưu lại… được phun khử khuẩn, một số nơi được khoanh vùng xử lý dịch. Hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo y tế bắt buộc… Dù vậy, việc các ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng nhanh trong thời gian ngắn ít nhiều gây lo ngại.

Ngay sau khi công bố ca bệnh thứ 17, tại Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành phố, người dân ùn ùn đổ tới siêu thị, chợ dân sinh mua đồ ăn, nhu yếu phẩm tích trữ. Trong một buổi sáng, nhiều quầy hàng, khu chợ đã trống trơn, cạn hàng. Tại các nhà thuốc ở Hà Nội, vào đầu tuần này, tái diễn hiện tượng nhiều người tới hỏi mua nước súc họng, dung dịch xịt họng sát khuẩn, vật tư y tế… Nhiều người lo ngại nơi mình sinh sống có trường hợp cách ly.

Chưa kể những kẻ cố tình đăng tin giả, trên mạng xã hội, trên các kênh giao tiếp, vì quá lo lắng cho sức khỏe và tính mạng của mình, của người thân, không ít người vô tình chia sẻ về tình hình dịch bệnh thiếu kiểm chứng. Những thông tin không chính xác đó vừa gây nhiễu, vừa tạo ra tâm lý hoảng loạn, hoang mang trong xã hội.

Khi cộng đồng bị bủa vây bởi thông tin thất thiệt, không ít người nảy sinh tâm lý trốn chạy. Một số gia đình gần nơi các bệnh nhân từng ở, hoặc gần khu vực có người nghi nhiễm SARS-CoV-2 tìm cách sơ tán, dù rằng việc di chuyển này tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh. Tiếp tục có người nhập cảnh vào Việt Nam từ nước có dịch không khai báo y tế, có người trốn khỏi nơi cách ly, tráo người khác đi cách ly thay mình…

Trên thực tế, lo cho sức khỏe bản thân và gia đình là cần thiết. Ở một chừng mực nào đó, việc một số cá nhân ngại ngần khi phải cách ly, phải làm thủ tục y tế có thể hiểu được. Tuy nhiên, hiện tại là "giai đoạn vàng" để tổ chức cách ly. Nếu không cách ly tốt sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm, khó lường. Vì vậy, khi có triệu chứng nhiễm dịch, người dân cần khai báo để được kiểm tra y tế, thực hiện cách ly, chung tay ủng hộ nhiệm vụ cách ly.

Ðể góp phần phòng, chống, và đẩy lùi Covid-19, mỗi cá nhân không chỉ cần nâng cao nhận thức, bình tĩnh sàng lọc, tiếp nhận và chia sẻ thông tin chính xác về dịch bệnh, mà còn phải ý thức được vai trò và nghĩa vụ của mình; chấp hành hướng dẫn và phối hợp tốt với cơ quan chức năng, tuân thủ quy định pháp luật; tránh chủ quan, xem nhẹ, nhưng không nên lo lắng thái quá; có thái độ ứng xử và hành động chuẩn mực.

Đó vừa là phương cách để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình, cũng là trách nhiệm của mỗi công dân đối với cộng đồng, với đất nước trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch Covid-19 bắt đầu sang một giai đoạn mới.