Tỏa sáng tinh thần tương trợ

Truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của nhân dân ta được đắp bồi qua nhiều thế hệ. Ở giai đoạn lịch sử nào cũng có những biểu hiện cụ thể, thắm thiết tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Nhận thấy truyền thống, lối sống nhân văn ấy sẽ tiếp thêm sức mạnh cho toàn dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đổi mới, phát triển đất nước, 20 năm qua, từ định hướng của Đảng và Nhà nước, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã phát động Cuộc vận động Vì người nghèo và lấy ngày 17-10 làm Ngày Cả nước vì người nghèo, hằng năm tổ chức Tháng cao điểm Vì người nghèo để kêu gọi toàn xã hội chung tay giúp đỡ những mảnh đời khốn khó.

Từ đây, tinh thần sẻ chia, đùm bọc của toàn dân tiếp tục được khơi dậy. Các tầng lớp xã hội tích cực hưởng ứng, đóng góp vật chất, tinh thần cho người nghèo, người khuyết tật, người cơ nhỡ, già yếu, neo đơn...

MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp chính quyền địa phương, cơ sở đã tổ chức các hoạt động kêu gọi xã hội chung tay với nhiều hình thức phong phú, phù hợp, tạo được sự đồng thuận trong đông đảo nhân dân. Thậm chí còn góp phần cổ vũ các tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm thêm sáng kiến triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng khác.

Theo công bố kết quả rà soát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào tháng 7-2020, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, tổng số hộ nghèo ở nước ta là 984.764 hộ (chiếm 3,75%). Con số này cho thấy kết quả chuyển biến đáng kể so tỷ lệ hộ nghèo ở mức hàng chục phần trăm, cho đến hơn 10% trong các thập niên trước. Trong đó, cùng với việc triển khai hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, có đóng góp của các phong trào ủng hộ mà cuộc vận động Vì người nghèo là một tiêu biểu.

Vậy là, tình cảm lớn lao và thiết thực của xã hội đã đến với nhiều “địa chỉ đỏ”, trở thành một phần nguồn lực giúp các hộ khó khăn vượt lên hoàn cảnh, tích cực lao động sản xuất thoát nghèo. Càng đáng quý khi rất nhiều cá nhân đã viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo để nguồn hỗ trợ được dành cho những gia đình khác còn vất vả. Nhiều hộ trở nên khấm khá sau thoát nghèo, đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động nghèo, tham gia đóng góp để chia sẻ với những hộ nghèo khác trong xã hội. Nhiều kiều bào ta ở nước ngoài cũng đã nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp hỗ trợ người nghèo trong nước với tình cảm “Yêu nước thương nòi”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”...

Điều đó cho thấy nhận thức trong xã hội đang đổi thay đáng kể. Từ tâm lý trông chờ, thậm chí ỷ lại vào cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, địa phương và nguồn đóng góp từ xã hội, nhiều hộ nghèo vượt lên, tự lực cánh sinh thay đổi số phận, đồng thời, phát huy tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Cũng như vậy, những kết quả tích cực cho thấy, tình thương yêu đồng bào, trách nhiệm với cộng đồng vẫn luôn tiềm ẩn, thường trực trong tình cảm xã hội, trong dòng máu con người Việt Nam ta. Khi việc vận động và hỗ trợ được triển khai kịp thời, thiết thực, hiệu quả, có tầm bao quát và có tính công khai, minh bạch, thì việc ủng hộ người nghèo trong cả nước sẽ càng sôi nổi, lan tỏa.

Đó cũng chính là những giá trị mà MTTQ Việt Nam và các cấp ngành liên quan cần phát huy trong mỗi dịp vận động Vì người nghèo. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung hỗ trợ với phương châm giảm nghèo, thoát nghèo bền vững, gợi mở và kết nối cho người nghèo, các hộ nghèo có công ăn việc làm ổn định và những điều kiện giúp sinh kế lâu dài.

Đó chính là cái gốc ổn định xã hội, là đóng góp quan trọng vào mục tiêu thoát khỏi đói nghèo, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển, vươn đến giàu mạnh, văn minh của dân tộc.