Tỏa sáng giá trị trường tồn

Việt Nam ghi nhận kết quả khả quan sau hai tuần “giãn cách xã hội” nhằm hạn chế lây lan dịch Covid-19. Đến nay, có 171 trong 267 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 được điều trị khỏi bệnh; trong vòng 12 giờ một số ngày không phát hiện ca dương tính mới; nước ta đứng đầu về số lượng người được xét nghiệm trên một ca dương tính… Trong cam go, thử thách, những giá trị tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam được nhân lên gấp bội.

Ở những thời điểm bước ngoặt trong trận chiến với “giặc Covid”, lãnh đạo Đảng, Nhà nước kêu gọi mỗi người dân chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Sức khỏe và tính mạng con người được đặt lên trên hết, Chính phủ sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để bảo đảm an toàn cho người dân.

Về đối ngoại, việc Việt Nam tích cực, chủ động trong nỗ lực toàn cầu phòng, chống đại dịch, hỗ trợ trang thiết bị y tế tới nhiều nước trên thế giới nhận phản hồi tích cực. Ở trong nước, trước tình hình nhiều người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, được sự đồng thuận của cấp có thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ ký nghị quyết về gói an sinh xã hội lên tới 62.000 tỷ đồng, thực hiện trên tinh thần Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm. Theo đó, Nhà nước ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách để bảo đảm cuộc sống người lao động, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư.

Tinh thần ủng hộ quyết sách của Đảng, Nhà nước thấm nhuần trong mọi tầng lớp. Người dân có ý thức hơn với sức khỏe bản thân mình, gia đình mình, nhận thức rõ về vai trò của cá nhân trong bảo đảm an toàn cho cộng đồng, cho xã hội. Từ sự thay đổi nhận thức, các giá trị nhân văn được phát huy.

Tại tuyến đầu chống dịch, có không ít tấm gương về đội ngũ y, bác sĩ gác lại việc gia đình, dành thời gian chăm sóc điều trị bệnh nhân. Ở nhiều khu cách ly, cán bộ y tế, chiến sĩ sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, chăm sóc người dân. Không ít doanh nhân, người nổi tiếng chi những khoản tiền lớn giúp đất nước phòng, chống Covid-19, kêu gọi cả xã hội chung tay.

Trên mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng, hàng loạt thông điệp xuất hiện. Có thông điệp đơn giản nhưng tạo hiệu ứng tốt như: “Ở nhà là yêu nước”, “Đeo khẩu trang thường xuyên và đúng cách”, “Chúng tôi đi làm vì bạn, bạn ở nhà vì chúng ta”, “Quyết thắng đại dịch Covid-19”… Nhiều lời ca, tiếng hát, vần thơ, tranh, ảnh do các tác giả chuyên và không chuyên sáng tác cổ vũ nỗ lực chống dịch đi vào lòng người. Bên cạnh đó, các phát ngôn, ứng xử chưa phù hợp bị cộng đồng phê bình, lên án.

Những nghĩa cử cao đẹp làm sáng lên tinh thần đùm bọc, nghĩa đồng bào tiếp tục lan tỏa. Ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp lập “cây ATM gạo”. Người khó khăn chỉ xếp hàng, nhấn nút, những hạt gạo miễn phí sẽ chảy vào túi họ. Chung quanh các cây ATM gạo này, từ sáng đến tối, luôn tấp nập những chuyến xe của mạnh thường quân chở gạo tới giúp đỡ người nghèo.

Cũng trong những ngày “giãn cách xã hội”, ở phạm vi gia đình, mỗi người có thêm thời gian để ở bên nhau, trò chuyện, sẻ chia yêu thương, quan tâm và thấu hiểu nhau hơn, càng thêm gắn bó, có trách nhiệm với nhau. Đối với không ít người, thời gian ở nhà phòng, chống dịch là cơ hội để quan tâm bản thân, chăm sóc các thành viên trong gia đình, kết nối chặt hơn tình cảm với bố mẹ, con cái, vợ chồng…

SỰ thống nhất trên dưới một lòng, mối quan tâm của Nhà nước với người dân; trách nhiệm của người dân với đất nước; sự chia sẻ của mỗi thành viên trong một gia đình, trong cộng đồng xã hội, giữa Việt Nam và các nước… càng làm sáng lên giá trị trường tồn như lòng yêu nước, lối sống nhân ái, nghĩa tình, tinh thần đoàn kết… Đó luôn là cội nguồn sức mạnh dân tộc.