Tìm hướng phục hồi ngành du lịch

Thời gian qua, hoạt động kinh tế - xã hội, giao thương, đi lại ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn, bị tác động sớm khi lượng khách du lịch và doanh thu giảm nhanh và mạnh. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, cùng với yêu cầu không lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cân nhắc tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là với một số ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng như du lịch, dịch vụ, hàng không…

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, sau tháng 1 tăng cao 32,8%, lượng khách quốc tế đến nước ta suy giảm mạnh trong tháng 2 (giảm 21,8%) và tháng 3 (giảm 68,1%) so cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế trong tháng 4 chỉ đạt 26,2 nghìn lượt người, giảm 98,2%. Tính chung bốn tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 37,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, giảm mạnh nhất ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu...

Covid-19 giáng đòn mạnh vào doanh nghiệp du lịch. Nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí tạm ngừng hoạt động, kéo theo doanh thu sụt giảm. Bốn tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trên cả nước ước đạt 143 nghìn tỷ đồng, giảm 23,6%. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 7,9 nghìn tỷ đồng, giảm tới 45,2% so cùng kỳ năm trước. Theo kết quả khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), 71% trong số 394 doanh nghiệp du lịch có doanh thu trong quý I-2020 giảm hơn 30%, 77% số doanh nghiệp dự kiến doanh thu quý II giảm hơn 80% so cùng kỳ năm 2019.

Sau khi quy định giãn cách xã hội được nới lỏng, kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua là thời điểm để du lịch Việt Nam khởi động lại, đồng thời là phép thử về khả năng phục hồi. Nắm bắt cơ hội đó, ngành du lịch xác định du lịch nội địa là trọng tâm và là bước đệm để khôi phục lại thị trường chung. Thực hiện chủ trương đó, hàng loạt điểm đến đồng loạt mở cửa đón khách. Nhiều địa phương, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mới, giảm giá dịch vụ. Các ngành như hàng không, ăn uống, lưu trú… cũng đưa ra các gói kích cầu.

Động thái trên phần nào làm tăng nhu cầu du lịch, nhưng người dân còn e ngại dịch bệnh nên chủ yếu du lịch tự túc, chưa sẵn sàng đặt tour. Một số địa phương nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam khởi động trong tâm thế “vừa làm, vừa nghe ngóng”, thành thử, nơi thì nhộn nhịp, nơi lại thưa vắng. Kỳ nghỉ bắt đầu từ ngày 30-4 nhưng tới trưa 1-5, tỉnh Quảng Ninh mới cho phép các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại. Tỉnh Khánh Hòa không còn không khí tấp nập như mọi năm vì khách đổ về rất ít, một số khu du lịch, khách sạn vẫn đóng cửa. Trái lại, khách đến Đà Lạt (Lâm Đồng) lại tăng gấp ba so dự kiến…

Ưu tiên thị trường nội địa là hướng đi phù hợp của ngành du lịch. Nhưng vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi du lịch là nhiệm vụ khó khăn. Để triển khai, điều quan trọng là cùng với bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách, ngành du lịch phải tăng cường quảng bá du lịch an toàn, khẳng định Việt Nam thành công trong phòng, chống dịch Covid-19, là điểm đến an toàn. Chỉ khi các điểm đến an toàn, du khách yên tâm, tin tưởng thì thị trường nội địa mới có thể phát triển và trở thành bước đệm để phục hồi thị trường du lịch quốc tế.

Hiện tại là thời điểm để tái cơ cấu doanh nghiệp du lịch và thị trường khách du lịch, đa dạng hoá sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá… Doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, cơ sở kinh doanh vận tải, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi giải trí… cũng cần “bắt tay” thúc đẩy các gói kích cầu. Đặc biệt, để khôi phục tổng thể ngành du lịch, cùng với các biện pháp đồng bộ, không thể thiếu các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.