Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Trong chương trình làm việc của phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ ngày 10-9 đến 20-9 để chuẩn bị cho kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, công tác xây dựng và hoàn thiện luật tiếp tục là chủ đề được dư luận quan tâm, theo dõi. Ðặc biệt, tại kỳ họp lần này, nội dung được chú ý bàn thảo nhiều là dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cũng là điều đương nhiên.

Có thể nói rằng, cùng với công tác phòng, chống tham nhũng mà toàn Ðảng, toàn dân tiến hành quyết liệt thời gian qua, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để công tác phòng, chống tham nhũng thật sự có hiệu quả, góp phần thiết thực vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ tận tâm, tận lực với công việc, hết lòng hết sức phục vụ sự nghiệp chung là điều luôn được toàn thể nhân dân mong đợi và kỳ vọng. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành cũng không nằm ngoài mục tiêu hoàn thiện luật pháp phù hợp thực tiễn và bối cảnh mới.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc điều chỉnh dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ có tác động lớn đối với xã hội bởi phạm vi liên quan rộng và tính chất phức tạp của vấn đề kiểm tra, giám sát và xử lý tài sản có được do tham nhũng - yếu tố quan trọng bậc nhất của việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở bất kỳ thời kỳ nào - công tác xây dựng và hoàn thiện luật đã được tiến hành với tinh thần khách quan, khoa học và thận trọng.

Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp cùng cơ quan trình dự án, các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Tại phiên họp thứ 25 và 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng của dự thảo. Riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Ðiều 57) nhận được nhiều ý kiến khác nhau về quan điểm xử lý cho thấy việc giải quyết rốt ráo thu nhập, tài sản tăng thêm không minh bạch sẽ đóng vai trò quan trọng nhất, quyết định nhất trong các chế tài để hạn chế tình trạng tham nhũng đang xảy ra dưới nhiều hình thức.

Ðể xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thành công, chúng ta cần phải có những khung khổ pháp lý chặt chẽ, đồng bộ, khoa học và phù hợp với thông lệ của quốc tế, nhất là khi Việt Nam đang tham gia tích cực vào quá trình hội nhập toàn cầu. Việc minh bạch hóa tài sản, xử lý nghiêm những tài sản bất minh cũng là nỗ lực lớn thể hiện quyết tâm của toàn Ðảng, toàn dân trong cuộc chiến cam go phòng, chống tham nhũng hiện nay nhằm hướng tới xây dựng một chính phủ kiến tạo, minh bạch và hành động, tạo động lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.