Tiên học lễ…

Dư luận còn chưa hết bàng hoàng, phẫn nộ về vụ cho phát tán trên mạng đoạn phim quay cảnh một nữ sinh học lớp 9 tại Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên bị các bạn nữ trong lớp bắt nạt và hành hung ngay trong lớp học, phải đưa đi điều trị tại bệnh viện, thì một đoạn phim khác quay cảnh một vụ nữ sinh THCS khác ở huyện Diễn Châu, Nghệ An cũng bị các bạn học bắt quỳ, hành hung và một giáo viên ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị đình chỉ công tác vì đánh 22 học sinh bầm tím khiến công luận không khỏi lo lắng về tình trạng bạo hành học đường đang gia tăng với mức độ và phạm vi ngày càng nghiêm trọng.

Có thể thấy một thực tế rằng, các vụ bạo hành học đường diễn ra gần đây đang gia tăng cả về mức độ và hành vi vi phạm. Từ việc phụ huynh học sinh bắt cô giáo quỳ xin lỗi ở Long An, tới cô giáo bắt các bạn trong lớp tát một học sinh bị phạm lỗi hơn 200 cái ở Quảng Bình, rồi mới đây là các trường hợp vi phạm xảy ra tại Trường THCS Phù Ủng và Diễn Châu, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu như giọt nước làm tràn ly, khiến cả xã hội hết sức lo lắng trước tình trạng đạo đức trong nhà trường xuống cấp với nhiều biểu hiện: một số thầy giáo, cô giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trong khi tỷ lệ học sinh sử dụng bạo lực với thầy giáo, cô giáo và các bạn học gia tăng.

Những hành vi tiêu cực, phản cảm ấy đã và đang khiến các bậc cha mẹ học sinh thật sự lo ngại về môi trường sư phạm nơi con mình đang học tập, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình tiếp thu, học tập của các em học sinh vốn là đối tượng rất dễ tổn thương trong quá trình định hình nhân cách.

Từ xưa tới nay, nhà trường luôn là môi trường giáo dục tốt nhất cho các thế hệ, nơi rèn đức, luyện tài cho các chủ nhân tương lai của đất nước. Nhờ có sự dạy dỗ tâm huyết, chỉ bảo tận tình của các thế hệ thầy giáo, cô giáo đáng kính, các thế hệ học sinh đã dần trưởng thành, trở thành những công dân tốt, ham học hỏi, yêu lao động, biết yêu quý và tôn trọng văn hóa dân tộc, sống nhân văn, nghĩa tình.

Thời gian gần đây, những hành vi tiêu cực, phản cảm xuất hiện trong môi trường học đường ngày càng nhiều cho thấy truyền thống tôn sư, trọng đạo tốt đẹp của dân tộc đang dần bị mai một.

Để xảy ra tình trạng này, có thể thấy rằng, bên cạnh một phần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, có phần trách nhiệm không nhỏ của các bậc cha mẹ học sinh đã không quan tâm đầy đủ việc nuôi và dạy con. Nhiều bậc cha mẹ học sinh còn mải đi làm, kiếm tiền đã “khoán trắng” việc dạy dỗ cho giáo viên và nhà trường mà không quan tâm, sẻ chia những thay đổi về diễn biến tâm, sinh lý của các em. Trong kỷ nguyên thông tin hiện nay, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã mang lại nhiều thành tựu trong cuộc sống, nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy đau lòng, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường giáo dục và đào tạo khi những thông tin xấu, độc hại được phát tán tràn lan, dễ tác động trực tiếp đến thế hệ trẻ trong khi các em chưa đủ kiến thức, bản lĩnh sống để sàng lọc nên dễ bị tiêm nhiễm những thói hư, tật xấu. Sự thờ ơ của một bộ phận không nhỏ những người lớn trong xã hội khi vô cảm với những cái ác, thói xấu cũng khiến các em bị tác động và có nhiều hành vi tiêu cực.

Đã đến lúc, toàn xã hội phải chấn chỉnh, xây dựng lại môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh, để thế hệ trẻ có điều kiện được học tập, rèn luyện trong môi trường sư phạm văn hóa. Công việc trọng đại đó, bắt đầu từ bài học nêu gương của các bậc cha mẹ, thầy giáo, cô giáo và người lớn để con em noi theo và học tập. Bên cạnh việc học văn hóa, kiến thức, thì bài học đạo đức, học lễ, phải được coi trọng hàng đầu, để sau này, các thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước luôn khắc ghi trong lòng bài học quan trọng trước tiên là bài học biết sống và trở thành người tốt, có ích cho cộng đồng, xã hội.