Thắp sáng ngọn lửa tri ân

Ghi nhớ công ơn và tri ân thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc là hoạt động thường xuyên, liên tục của các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân. Tiếp nối tinh thần đó, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) là dịp để cả nước phát huy truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn" quý báu của dân tộc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm, sự quan tâm sâu sắc thương binh, liệt sĩ, người có công với đất nước. Ðiều này thể hiện trong nhiều bài viết, việc làm của Bác. Trong thư gửi thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ vào ngày 27-7-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ".

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, Ðảng và Nhà nước đặt chính sách ưu đãi người có công lên hàng đầu. Những năm qua, phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa" phát triển sâu rộng và đạt hiệu quả thiết thực. Nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân tích cực tham gia phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, chăm sóc sức khỏe người có công, mở rộng cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Hoạt động xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, tìm kiếm, quy tập hài cốt, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được quan tâm thực hiện…

Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công được bổ sung hoàn thiện phù hợp từng thời kỳ và điều kiện đất nước, đối tượng người có công được mở rộng, chế độ dành cho người có công được nâng cao. Theo thông tin của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), tính đến cuối quý I-2020, cả nước xác nhận được 9,2 triệu người có công, trong đó, hơn 1,3 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng. 99,5% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư địa phương.

Kết quả đạt được cho thấy sự quan tâm đặc biệt, tình cảm, trách nhiệm của Ðảng, Nhà nước và xã hội dành cho người có công. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, một bộ phận người có công và gia đình người có công vẫn chưa được hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ ưu đãi của Nhà nước, đời sống khó khăn, còn tình trạng hồ sơ người có công tồn đọng tại một số địa phương. Số hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, hài cốt liệt sĩ chưa đầy đủ thông tin còn nhiều…

Vào dịp 27-7 năm nay, Bộ LÐ-TB&XH chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân người có công với cách mạng. Trong đó, nổi bật là Lễ Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020 tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của 300 Bà mẹ, đại diện cho hàng chục nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ðây là hoạt động được tổ chức lần đầu sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng…

Những sáng kiến, việc làm cụ thể sẽ góp phần triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về ưu đãi người có công, trách nhiệm nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn, giáo dục truyền thống yêu nước các tầng lớp nhân dân, huy động nguồn lực chăm sóc người có công với cách mạng và thân nhân.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần hoàn thiện hệ thống chính sách; giảm bớt thủ tục hành chính, sớm giải quyết hồ sơ về xác nhận người có công còn tồn đọng; triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách ưu đãi, rà soát lại để bảo đảm tất cả người có công đều được thụ hưởng; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để người có công, gia đình người có công tham gia hoạt động xã hội, phát triển kinh tế.