“Thắp sáng” du lịch bằng kinh tế ban đêm

Những năm gần đây, du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh. Chỉ riêng mười tháng năm 2019, Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13% so mức tăng trưởng 4% của du lịch toàn cầu và 5% của khu vực Đông - Nam Á. Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành của Việt Nam được cải thiện, trong hai lần xếp hạng năm 2017 và 2019 tăng 12 bậc, hiện đứng thứ 63/140 nước. Tuy nhiên, trong khi nhiều nước thu lợi đáng kể từ gắn du lịch với “kinh tế ban đêm” thì ở Việt Nam, việc này mới khai thác ở quy mô nhỏ, lẻ.

Khái niệm “kinh tế ban đêm” đã quen thuộc ở nhiều quốc gia. Hiểu phổ quát, đây là hoạt động kinh tế - dịch vụ diễn ra trong thời gian từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Do đặc thù nên hoạt động này thường gắn với các sự kiện văn hóa - nghệ thuật, các dịch vụ vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua sắm… Ở nhiều “cường quốc du lịch”, kinh tế ban đêm mang lại giá trị lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, giá trị thặng dư và thu hút ngoại tệ.

Ở Việt Nam, dù lượng du khách quốc tế tăng đều hằng năm nhưng doanh thu du lịch và mức chi tiêu của khách còn thấp so các nước trong khu vực. Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), trung bình du khách đến Việt Nam chi 96 USD/ngày, trong khi Thái-lan là 163 USD/ngày và Xin-ga-po là 325 USD/ngày. Nguyên nhân một phần là do “khoảng trống” trong khai thác dịch vụ về đêm. Đáng nói, các sản phẩm, dịch vụ ban đêm ở các thành phố lớn còn nhạt nhòa, thiếu bản sắc. Không ít nơi coi kinh tế ban đêm chỉ là việc cung cấp dịch vụ ăn uống.

Tại Hà Nội, những năm gần đây, khi hình thành tuyến phố đi bộ vào cuối tuần liên thông với khu phố cổ thì khu vực này khá đông đúc, nhưng các hoạt động tại đây chỉ diễn ra tới nửa đêm. Là thủ phủ du lịch miền trung, nhưng Đà Nẵng còn yên ắng hơn khi khá nhiều hàng quán, khu vui chơi, chợ đêm đóng cửa từ khoảng 22 giờ. Đến TP Hồ Chí Minh, vào ban đêm, du khách chỉ ăn tối, xem biểu diễn nghệ thuật, đi quán bar…, càng về khuya, hoạt động càng vắng.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch gắn với kinh tế ban đêm như: dân số trẻ tập trung tại các thành phố lớn, tài nguyên du lịch phong phú, các yếu tố văn hóa - nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc; mức độ hội nhập cao; thời tiết dễ chịu về đêm… Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: hạ tầng còn thiếu và yếu, dịch vụ chưa chuyên nghiệp, cơ chế chính sách chưa tương ứng, sự e ngại nảy sinh phức tạp về trật tự, an ninh…

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Phát triển kinh tế ban đêm là một xu hướng các nước đang vận dụng, Việt Nam cũng nên tận dụng thời cơ này”, bày tỏ mong muốn các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn phát triển kinh tế ban đêm để thực hiện câu trả lời Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về vấn đề cần làm gì để du khách đến đông hơn, làm gì để du khách ở lâu hơn, làm gì để du khách tiêu tiền nhiều hơn. Thủ tướng lưu ý kinh tế ban đêm cũng có mặt trái, do đó cần quản lý tốt để tránh những mặt tiêu cực…

Như vậy định hướng đã rõ ràng. Điều quan trọng là các cấp, các ngành cần thay đổi tư duy, hoàn thiện cơ chế, xây dựng chính sách, khung khổ pháp lý phù hợp, quy hoạch khu vực phát triển kinh tế ban đêm, tăng cường năng lực quản lý, khai thác nguồn lực tài nguyên, tri thức, tài chính, ứng dụng công nghệ, hợp tác khu vực công và tư nhân… Việc thúc đẩy kinh tế ban đêm có trọng điểm, có lựa chọn sẽ tạo điều kiện để du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại thu nhập lớn cho nền kinh tế.