Sau mỗi kỳ thi

Sự kiện giáo dục nóng nhất tuần qua chính là nghi vấn có những tiêu cực trong công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia ở tỉnh Hà Giang đã được các cơ quan chức năng nhanh chóng xác minh, điều tra, làm rõ sau gần một tuần kể từ khi chính thức công bố điểm thi ngày 11-7.

Nhiều trường hợp thí sinh có điểm cao bất thường đã được các cơ quan chức năng làm rõ và người trực tiếp can thiệp làm sai lệch kết quả thi là ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Hà Giang. Tổng cộng, có tới 114 thí sinh với hơn 330 bài thi trắc nghiệm có điểm công bố cao hơn điểm chấm thẩm định. Cá biệt, có một số thí sinh có tổng điểm các môn thi được làm tăng lên đến 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Những sai phạm nghiêm trọng tại Hà Giang một lần nữa chứng tỏ mức độ tinh vi, nguy hiểm của những hành vi tiêu cực cũng như những lỗ hổng tại các kỳ thi đòi hỏi sự đánh giá công bằng, nghiêm túc bởi đây chính là kỳ thi rất quan trọng trong suốt quá trình giáo dục ở bậc phổ thông.

Còn nhớ, ngay ở kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập ở thành phố Hà Nội đầu tháng 6 vừa qua, đề thi môn Toán học và Ngữ văn đã bị lọt ra ngoài và đưa lên mạng xã hội khi các thí sinh vẫn đang trong quá trình làm bài. Kết quả điều tra nhanh tìm ra giáo viên Nông Hoàng Phúc, giáo viên Trường THCS Mai Ðình (Sóc Sơn, Hà Nội), giám thị coi thi số 2 của điểm thi Trường THPT Vân Nội (Ðông Anh, Hà Nội) là người trực tiếp dùng điện thoại chụp đề rồi gửi ra ngoài. Tuy vụ để lọt đề thi ra ngoài cho đến nay chưa phát hiện dấu hiệu làm ảnh hưởng sai lệch tới kết quả thi và điểm thi của các thí sinh nhưng đây là cảnh báo về những sai phạm ngang nhiên khi những người có trách nhiệm bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng cho các thí sinh lại có những hành vi vi phạm quy chế nghiêm trọng đến như vậy.

Giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình cung cấp kiến thức, bồi dưỡng nhân cách cho con người. Do vậy, những hành vi phản giáo dục diễn ra vừa qua phải bị xử lý nghiêm khắc, cả xã hội phải lên án. Bởi nếu những học sinh được điểm cao không phải do nỗ lực bản thân mà nhờ những hành vi tiêu cực không bị phát hiện sẽ nghiễm nhiên trở thành những học sinh, sinh viên ở các cấp học tiếp theo, trong khi nhiều học sinh có khả năng thật sự lại bị mất cơ hội học tập ở những môi trường xứng đáng với năng lực của họ do điểm thấp hơn. Và rồi sau này, những con người không có thực học, thực tài ấy ra trường sẽ làm gì với tấm bằng và bảng điểm cao chót vót nhờ mua bán? Vòng xoáy hành vi chạy điểm ấy lại tiếp diễn với quy mô và phạm vi ngày càng nguy hiểm hơn, và hệ lụy của những "chủ nhân" của đất nước không có thực tài, thực học nhưng lại nắm những cương vị chủ chốt nhờ mua bằng, chạy chức ấy gây ra cho xã hội là vô cùng nguy hiểm.

Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục và kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi tiêu cực là cách duy nhất và tốt nhất để trả lại môi trường trong lành và công bằng cũng như ý nghĩa đích thực của một sự nghiệp cao quý - trồng người. Vì thế, siết lại kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm an toàn, lành mạnh, thực chất cho những kỳ thi tiếp theo là việc cấp bách hiện nay của ngành giáo dục - đào tạo.