Ra đi để trở về…

Sau bốn phần thi gay cấn, với kết quả 245 điểm, Trần Thế Trung, học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) xuất sắc vượt qua các đối thủ, giành vòng nguyệt quế vinh quang của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2019. Trở thành người thứ 19 giành danh hiệu quán quân, Trần Thế Trung bộc bạch: “Với suất học bổng du học mà chương trình trao cho, em sẽ cố gắng học hỏi tinh hoa của các nước bạn và đem về để xây dựng đất nước Việt Nam thật là giàu đẹp”.

Là sân chơi trí tuệ thu hút học sinh cấp THPT, chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, do Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, suốt nhiều năm qua chưa bao giờ hết “nóng”. Chương trình thu hút các em học sinh hẳn không phải do phần thưởng cho người giành giải nhất cuộc thi chung kết năm lên tới 35 nghìn USD (tương đương hơn 800 triệu đồng), suất học bổng tại Australia, cũng như các phần thưởng ở các cuộc thi tuần, thi tháng, thi quý, mà là hàm lượng kiến thức của chương trình thể hiện thông qua những câu hỏi hóc búa, những câu trả lời thông minh, nhanh nhạy của thí sinh, những khoảnh khắc ấn tượng, sự cổ vũ của học sinh và đông đảo khán giả.

Thế nhưng, theo thống kê, sau 19 mùa thi, kể từ năm 1999 đến nay, hầu hết trong số 19 quán quân của “Đường lên đỉnh Olympia”, đều lựa chọn ở lại làm việc tại Australia thay vì trở về quê hương. Chỉ có hai người trở về nước sau khi du học nước ngoài, một người hiện chưa du học, và một người chính là tân quán quân của chương trình năm nay. Điều này khiến nhiều người lo ngại việc “chảy máu chất xám”, thậm chí còn nhận định “Đường lên đỉnh Olympia” đang đào tạo nhân tài cho nước ngoài.

Bởi thế, nghe lời tâm sự có phần mộc mạc của Trần Thế Trung khi trả lời báo chí, dư luận cảm thấy đáng mừng vì một chàng trai ở độ tuổi còn rất trẻ đã ý thức được trách nhiệm của mình với quê hương đất nước. Nhưng cũng chuyện này, lại gợi không ít băn khoăn về chặng đường tiếp theo của các nhà vô địch, tương tự Trần Thế Trung. Một trong những nguyên nhân khiến các du học sinh Việt Nam, trong đó có những người giành giải cao trong “Đường lên đỉnh Olympia”, những người có khả năng, trình độ không về Việt Nam làm việc, không chỉ do sự lựa chọn của cá nhân các du học sinh, mà được cho là do còn thiếu cơ chế để họ phát huy năng lực.

Thực tế cho thấy, không ít tỉnh, thành phố ở Việt Nam luôn “trải thảm đỏ” kêu gọi những người tài, người có trình độ về phục vụ cho địa phương, cho đất nước. Nhưng khi có được người tài trong tay, phía sử dụng nhân tài lại chưa tạo được môi trường thích hợp để phát huy hết năng lực, ưu thế của người tài. Từ đó, dẫn đến chuyện có người tài phải “dứt áo ra đi” sau một thời gian làm việc trong nước, người ở nước ngoài lại có phần ngại ngần khi về nước.

Nói như vậy để thấy rằng, câu chuyện làm sao để du học sinh “trở về”, hay cũng là câu chuyện thu hút nhân tài, có lẽ phải bắt nguồn từ cả hai phía. Nếu cá nhân phát huy được tốt năng lực sở trường thì trong một thế giới phẳng, dù làm việc ở nước ngoài hay ở trong nước, đều vẫn có thể có những đóng góp tích cực cho quê hương đất nước. Bên cạnh việc mỗi người tài có ý thức xây dựng quê hương đất nước, “trở về” bằng cách đóng góp năng lực cho Tổ quốc dù ở bất cứ nơi đâu, việc xây dựng môi trường, cơ chế chính sách phù hợp ở phía tiếp nhận, quản lý, sử dụng, phát huy nguồn nhân lực ấy cũng rất cần thiết.

Đây cũng là nội dung quan trọng được đề cập trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức dự kiến sẽ được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.