Quyết liệt nhưng không cực đoan

Việt Nam bước sang tuần thứ hai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ thị được các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương và người dân đồng tình ủng hộ, thực hiện nghiêm túc. Ðây là điều kiện cần thiết để hạn chế lây lan dịch, tận dụng hiệu quả "thời gian vàng". Tuy nhiên, trong triển khai, có nơi còn cứng nhắc.

Chính sách cách ly xã hội, thực chất là giãn cách xã hội, được nhiều nước áp dụng. Họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cách ly xã hội là tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, mang ý nghĩa giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không ngăn cấm giao thông, không "ngăn sông cấm chợ", chưa phải phong tỏa xã hội.

Trên tinh thần như vậy, nước ta vẫn duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn, nhất là hàng thiết yếu, ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà nhưng bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc, bảo đảm về sinh hoạt, sản xuất và kinh tế, xã hội… Công tác phòng, chống dịch bệnh bước đầu thành công, nước ta kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Dù vậy, Chỉ thị số 16/CT-TTg đưa ra biện pháp mới, cho nên, trong triển khai, có địa phương, đơn vị hiểu chưa đúng, vận dụng máy móc.

Ngay sau khi Chỉ thị số 16/CT-TTg được công bố, với quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19, có nơi hiểu đây là biện pháp phong toả, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", đưa ra biện pháp triệt để: như đổ đất, cẩu bê-tông, dựng hàng rào sắt chặn các tuyến giao thông liên thôn, liên xã. Cùng lý do tương tự, không ít tỉnh, thành phố dừng thi công tại công trường, công trình xây dựng khiến nhiều lao động phổ thông nghỉ việc. Cũng có đơn vị nóng vội đưa ra văn bản chỉ đạo thực hiện chưa phù hợp, sau đó phải rút lại do không đúng quy trình, chưa tham khảo văn bản pháp lý.

Trên tuyến đường vào một số tỉnh, thành phố, nhiều chốt kiểm soát được dựng lên. Tại các chốt này, lực lượng liên ngành gồm công an, quân đội, y tế, thanh tra giao thông… phối hợp xác minh nhân thân, đo thân nhiệt người ra vào… Những giải pháp như vậy là cần thiết. Nhưng vì hiểu chưa đúng chỉ thị của Thủ tướng, không ít chốt yêu cầu người ra vào quay trở lại điểm xuất phát với lý do không thỏa đáng; có xe đủ điều kiện để lưu thông từ chốt kiểm soát đầu tiên vẫn phải khai báo, kiểm tra tại chốt kiểm soát khác trong ngày…

Các biện pháp quá cứng nhắc đã được chính quyền các địa phương, các đơn vị rút kinh nghiệm điều chỉnh. Trước hiện tượng một số nơi lúng túng trong thực hiện, Văn phòng Chính phủ cũng có Văn bản số 2601/VPCP-KGVX gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg. Theo đó, các địa phương phải bãi bỏ ngay việc dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình, hiểu và thực hiện thống nhất chỉ thị của Thủ tướng…

Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh, Chỉ thị số 16/CT-TTg được thực hiện nghiêm và sự đồng thuận của đông đảo tầng lớp nhân dân là điều đáng mừng. Tuy nhiên, thực hiện nghiêm túc và quyết liệt không đồng nghĩa với việc một số địa phương, đơn vị thực hiện một cách cực đoan, hoặc vội vàng quy chụp các cá nhân, tổ chức vi phạm, vô hình trung làm giảm tính tích cực của công tác phòng, chống dịch.

Cùng việc tuân thủ Văn bản số 2601/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ, các địa phương, ban, ngành cần có hướng dẫn, chỉ đạo sát sao hơn nữa, đặc biệt phải có sự tham mưu của cơ quan tư pháp, để thống nhất từ trên xuống dưới trong việc triển khai các biện pháp cấp bách, tránh hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Khi thực hiện đồng bộ các giải pháp, người dân cũng sẽ tham gia tích cực và có trách nhiệm hơn với hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng và cộng đồng.

Có tập trung được sức mạnh tổng thể, mới có thể phát huy hiệu quả biện pháp phòng, chống dịch, không chỉ trong "giai đoạn vàng", mà cả trong những giai đoạn tiếp theo.