Phấn khởi và kỳ vọng

Phấn khởi và kỳ vọng, đó là tâm lý chung của rất nhiều người khi chứng kiến và theo dõi diễn biến những ngày họp đầu tiên của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Đông đảo người dân phấn khởi với kết quả hoạt động và nỗ lực lao động của cả nước từ đầu năm đến nay. Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày đã cho thấy, nhờ sự quyết tâm, chung sức chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, đất nước chúng ta đã đạt được những kết quả rất có ý nghĩa: Tăng trưởng GDP chín tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%). Nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ước cả năm 2018 chúng ta sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có tám chỉ tiêu vượt. Chính trị, kinh tế - xã hội ổn định, thế và lực của nước ta từng bước được củng cố vững chắc, tạo niềm tin trong cộng đồng quốc tế về một Việt Nam thân thiện, năng động và đổi mới, từng bước hội nhập sâu rộng.

Điều phấn khởi nữa là việc các đại biểu Quốc hội nhất trí rất cao bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 cũng thể hiện quyết tâm hành động của cử tri cả nước gửi gắm vào nhà lãnh đạo tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đưa đất nước vững bước tiến lên, xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Cùng với niềm tin, sự phấn khởi vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, cử tri cũng mong muốn công cuộc đổi mới đất nước phải được tiến hành đồng bộ, quyết liệt.

Phân tích bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta kể từ đầu năm đến nay, có thể thấy tốc độ tăng trưởng GDP vẫn dựa nhiều vào việc xuất khẩu dầu thô, vào xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong khi các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đòi hỏi hàm lượng chất xám lớn, có giá trị gia tăng cao lại chưa đóng góp được nhiều vào cơ cấu nền kinh tế. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, tiêu cực, lãng phí, v.v vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, khiến người dân bức xúc. Phát triển nông nghiệp vẫn thiếu bền vững do chưa hoàn thiện được quy trình xây dựng chuỗi liên kết để sản xuất thực phẩm sạch, từng bước hạn chế thực phẩm độc hại với người tiêu dùng. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng mang tính quyết định trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chưa được quan tâm đầu tư đầy đủ và đúng mức.

Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, các thách thức an ninh phi truyền thống, nguy cơ ảnh hưởng tới chủ quyền quốc gia vẫn luôn thường trực, đe dọa tới sự phát triển và ổn định của đất nước, đòi hỏi cách thức dự báo, tiếp cận và xử lý vấn đề thường xuyên, khoa học.

Với nhà lãnh đạo Đảng đồng thời là nguyên thủ quốc gia mới có tâm, có tầm, với một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, một Quốc hội hành động vì cử tri, có thể thấy rằng, những bước chuyển động của đất nước đã ngày càng hiện rõ. Đó cũng là bước chuyển của một dân tộc hướng tới khát vọng cao cả xây dựng một quốc gia dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.