Ổn định đời sống, sản xuất sau bão, lũ

Đợt bão lũ liên tiếp đổ vào các tỉnh miền trung suốt những tuần qua để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân. Cùng việc khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, chuẩn bị đối phó các diễn biến mới phức tạp, một nhiệm vụ quan trọng được Ðảng, Nhà nước đặt ra cho các ban, ngành, địa phương là sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, mưa lũ tại các tỉnh miền trung làm 129 người chết và mất tích, 214 người bị thương; 111.200 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng; hơn 1.000 ha lúa và 7.200 ha hoa màu bị ngập, hư hỏng; ước tính tổng giá trị thiệt hại về tài sản là 2.300 tỷ đồng, chiếm 83,8% tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trên cả nước. Thông tin nói trên chưa cập nhật thiệt hại do cơn bão số 9 và hoàn lưu của cơn bão này gây ra đối với các tỉnh trong khu vực…

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, lực lượng, tổn thất được hạn chế đến mức thấp nhất. Phát huy tinh thần "tương thân, tương ái", Trung ương, địa phương, bộ, ngành, đoàn thể, kịp thời ủng hộ cả vật chất và tinh thần, giúp người dân vùng bão lũ vượt qua những khó khăn trước mắt. Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm đã dành nguồn lực, lập các đoàn cứu trợ chuyển nhu yếu phẩm tới nhân dân miền trung… Những việc làm thiết thực ấy góp phần giúp người dân vùng thiên tai có cái ăn, cái mặc, không bị đói rét.

Thời gian tới, Ðảng, Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng và áp dụng chính sách hỗ trợ các tỉnh, thành phố miền trung khắc phục hậu quả, tháo gỡ khó khăn do thiên tai gây ra. Với tinh thần "cả nước hướng về miền trung", toàn xã hội cũng chung tay chia sẻ, gánh vác, đỡ đần người dân nơi đây. Tuy nhiên, tại chính những địa phương đã và đang chịu ảnh hưởng của bão lũ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp… cần tiếp tục phát huy sự chủ động, quyết liệt khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

Do mùa mưa bão tại miền trung vẫn tiếp diễn, chính quyền, các lực lượng phải xây dựng được phương án phối hợp chặt chẽ để chủ động ứng phó, tập trung rà soát, di dời người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, vùng nguy hiểm đến nơi an toàn nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản. Cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời theo phương châm "bốn tại chỗ" gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư, kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

Các hoạt động khắc phục hậu quả lũ bão cần tiếp tục đẩy mạnh. Trong đó, các cấp chính quyền cần quan tâm sửa chữa hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, giao thông, công trình trường học, bệnh viện, công sở, các công trình dịch vụ, huy động lực lượng, xuất cấp kinh phí hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, xử lý vệ sinh môi trường sau thiên tai để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, sớm tạo điều kiện cho trẻ trở lại trường…

Mưa lũ trên diện rộng, lũ chồng lũ, bão chồng bão khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ. Do đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần hỗ trợ, hướng dẫn người dân tạo lập cuộc sống bình thường, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh... Bên cạnh việc chủ động hỗ trợ, các địa phương có thể thống kê, đề xuất trung ương để có chủ trương, chính sách hoặc nguồn kinh phí kịp thời, ưu tiên các doanh nghiệp vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai…

Một khi có sự phối hợp, đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan, ban, ngành, sự chung vai gánh vác của toàn xã hội, đặc biệt có sự chủ động của các cấp chính quyền địa phương, chắc chắn người dân vùng bão lũ sẽ sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Hoàng Vũ