“Nhiệm vụ kép” trong tình hình mới

Nỗ lực chống dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Nước ta đang thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Ở trong nước đã gần ba tháng không ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 mới ngoài cộng đồng, các ca nhiễm qua đường nhập cảnh đều được cách ly. Cùng với việc dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế từng bước phục hồi, kể cả đối với những ngành bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề.

Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực, nền kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng khá so các nước trong khu vực và trên thế giới. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) sáu tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của sáu tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Ðây được coi là một kỳ tích bởi kinh tế Việt Nam không bị tăng trưởng âm như nhiều nước khác trong giai đoạn này.

Kết quả trên có được là nhờ Ðảng, Nhà nước chủ trương sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân cũng như quyết liệt thực hiện “nhiệm vụ kép” vào các thời điểm phù hợp. Ðiều này cũng khẳng định nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời nỗ lực duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh.

Tuy nhiên, tốc độ và mức độ bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 trên thế giới cũng khiến nước ta phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Theo trang Worldometers.info, số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu hiện nay lên tới gần 12 triệu người, trong đó hơn 547 nghìn người tử vong. Nghiêm trọng hơn nữa, gần đây nhiều quốc gia ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới trong một ngày cao kỷ lục. Diễn biến phức tạp đó khiến Tổ chức Y tế thế giới phải cảnh báo các nước về nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát nếu chỉ tập trung khôi phục kinh tế mà lơ là phòng dịch.

Trong bối cảnh hiện tại, rõ ràng việc tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” vẫn là hướng đi phù hợp. Theo đó, bộ, ngành, địa phương nhanh chóng khắc phục khó khăn, khôi phục mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của nhân dân; đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại từng ngành, từng lĩnh vực; đổi mới cách làm, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thu hút mọi nguồn lực cho phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, du lịch nội địa...

Cùng với đó, cả hệ thống chính trị phải chung tay giữ vững thành quả quan trọng về phòng, chống dịch đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp chủ động phòng, chống dịch. Thời gian qua, toàn xã hội đã quen với “trạng thái bình thường mới”, dịch Covid-19 cũng được ngăn chặn để không lây lan ra cộng đồng. Nhưng chính vì thế có hiện tượng nôn nóng thúc đẩy phát triển kinh tế, chủ quan lơ là công tác phòng, chống dịch. Nếu như không sớm chấn chỉnh tình trạng này, nguy cơ xảy ra làn sóng Covid-19 thứ hai tại Việt Nam sẽ hiện hữu. Không chỉ của riêng ngành y tế, nhiệm vụ phòng, chống dịch vẫn phải được các cấp, ngành, địa phương và toàn thể người dân đặt lên hàng đầu.

"Vừa phòng thủ chống dịch Covid-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế" - đấy cũng chính là yêu cầu mà người đứng đầu Chính phủ đặt ra với các bộ, ngành và địa phương khi phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến mới diễn ra đầu tháng 7 này nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2020.