Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề, làm thay đổi sâu sắc thế giới. Trong cuộc CMCN 4.0, việc áp dụng máy móc tự động hoá và rô-bốt vào các công việc truyền thống, có tính chu kỳ sẽ dẫn tới việc cắt giảm lao động. Để có thể cạnh tranh và phát triển, người lao động phải trau dồi kỹ năng, thích ứng sự thay đổi.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm phát triển nguồn lực con người. Bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách phát triển nguồn nhân lực nói chung, cũng như nguồn nhân lực lao động cho các ngành, nghề, lĩnh vực nói riêng được chú trọng. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) xác định phát triển nguồn lực con người là một trong những điều kiện quan trọng để đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tới Đại hội Đảng lần thứ XI vào năm 2011, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020) cũng khẳng định con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Nhờ xây dựng chính sách, cùng việc phát huy lợi thế của dân số vàng, nước ta đạt được nhiều thành tựu về cải thiện nguồn nhân lực. Năng suất lao động của Việt Nam tăng đều qua các năm, cơ cấu ngành nghề đào tạo được điều chỉnh theo ngành nghề sản xuất, kinh doanh, có thêm nhiều ngành nghề mới được đào tạo mà thị trường có nhu cầu, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đông đảo, người lao động có cơ hội tiếp cận máy móc thiết bị hiện đại và tác phong lao động công nghiệp…

Dù vậy, nguồn nhân lực Việt Nam còn những hạn chế mang tính “truyền thống”. Đó là, thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao; số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao lại kém về năng lực thực hành và khả năng thích nghi môi trường cạnh tranh công nghiệp; khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ của người lao động còn hạn chế; mất cân đối giữa số lượng và chất lượng lao động giữa các ngành nghề, vùng miền.

Ở Việt Nam, nền kinh tế lâu nay dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, cuộc CMCN 4.0 là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức. Việc này hiển nhiên làm thay đổi cung - cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Hiện tại, nguồn lao động của Việt Nam chủ yếu là lao động tay nghề thấp, vì vậy dễ dàng bị thay thế bởi máy móc. Không chỉ lao động trình độ thấp có nguy cơ mất việc mà cả lao động bậc trung cũng bị ảnh hưởng. Những hạn chế của nguồn nhân lực đang thành trở ngại lớn.

Thực trạng ấy cho thấy việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng cấp thiết. Nhiệm vụ này đòi hỏi phải được thực hiện một cách đồng bộ trên nhiều phương diện như giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, an sinh xã hội, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, chính sách phát triển thị trường lao động, điều kiện nhà ở, sinh sống, định cư...

Tuy nhiên, khâu đầu tiên và quan trọng nằm ở giáo dục. Theo đó, các cơ sở giáo dục và đào tạo phải tập trung nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy, đổi mới phương thức giảng dạy theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, xây dựng mô hình giáo dục 4.0 theo kịp xu hướng công nghệ hiện đại trong nền kinh tế 4.0, liên kết đào tạo những lĩnh vực mà xã hội, doanh nghiệp cần, nhất là lực lượng lao động có tay nghề cao, chuyên môn giỏi.

Việt Nam xác định mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển vào năm 2045. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ then chốt là “xây dựng và phát huy nguồn lực con người”. Gần đây, trong các văn bản quy phạm của Đảng, Nhà nước cũng như các bộ, ban, ngành,… chủ trương về nguồn nhân lực đã được cụ thể hóa. Tuy nhiên, cuộc CMCN 4.0 đặt ra cho chúng ta yêu cầu sớm hoàn thiện chiến lược tổng thể, hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.