Nguồn lực tinh thần

Nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra (Covid-19) được kiểm soát chặt chẽ. Càng trong gian khó, phẩm chất cao quý của con người Việt Nam như tương thân tương ái, “mình vì mọi người”… càng lan tỏa.

Từ những ngày đầu chống dịch Covid-19, Ban Bí thư có công văn yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp coi công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Theo đó, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện phòng, chống dịch; giao người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm; xây dựng phương án phòng, chống theo từng cấp độ; phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân…

Chính phủ cũng xác định “chống dịch như chống giặc”, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chủ quan, bảo đảm tính mạng, sức khỏe người dân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, nói về việc phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta chấp nhận tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm an toàn cho người dân”.

Ở lĩnh vực y tế, mặt trận hàng đầu trong cuộc chiến chống Covid-19, hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế… tạm gác công việc cá nhân để tập trung khám, chữa bệnh, điều trị, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Tại nhiều cơ sở y tế, có không ít bác sĩ, điều dưỡng viên tham gia trực 24/24 giờ, nhiều ngày không về nhà. Dù quá tải công việc, lại đối diện nguy cơ cao bị lây nhiễm dịch bệnh, các bác sĩ, nhân viên y tế vẫn làm việc hết mình với tinh thần “lương y như từ mẫu”.

Các cấp, các ngành cũng khẩn trương vào cuộc. Liên quan hoạt động cách ly, khoanh vùng dịch, quân đội, công an, chính quyền các địa phương phối hợp ngành Y tế rà soát, xác minh người tiếp xúc bệnh nhân Covid-19; giám sát khu vực cách ly; tổ chức đón công dân Việt Nam và người nước ngoài đến Việt Nam; cách ly, theo dõi và phòng, chống dịch trên cả nước. Ở các khu cách ly tập trung, hàng chục nghìn người được theo dõi y tế, chăm sóc sức khoẻ, được lo nơi ăn, chốn ở chu toàn. Sự chăm sóc nhiệt tình, lời động viên chân tình của đội ngũ phục vụ để lại ấn tượng khó quên vào thời điểm “bão dịch” hoành hành.

Nhiều chương trình chung tay phòng, chống dịch Covid-19 được phát động. Những ngày đầu, khi khẩu trang và vật tư y tế khan hiếm, có không ít cá nhân, tổ chức cấp phát khẩu trang, dung dịch sát khuẩn miễn phí cho người dân. Khi công tác phòng, chống dịch sang giai đoạn mới, các hoạt động cụ thể, thiết thực lan tỏa mạnh mẽ hơn. Có thể kể đến việc các doanh nhân, nghệ sĩ quyên góp ủng hộ dự án ứng phó nhanh với dịch Covid-19, trao tặng đồ bảo hộ, trang thiết bị theo dõi sức khỏe bệnh nhân, tặng lương thực, thực phẩm, đồ dùng phục vụ phòng, chống dịch.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều văn nghệ sĩ thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình qua việc sáng tác tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa đề cao tinh thần chống dịch, cổ vũ cái tốt, phản bác, phê bình hiện tượng, hành vi sai trái. Nhiều câu chuyện cảm động về người tốt, việc tốt được phản ánh trên báo, đài, mạng xã hội càng góp phần khẳng định giá trị chân, thiện, mỹ…

Hành trình chống Covid-19 hẳn còn nhiều gian truân, vất vả. Trong cuộc chiến ấy, không phải mọi nơi, mọi lúc chúng ta đều có đủ trang thiết bị hay nguồn lực tài chính. Dẫu vậy, những giá trị truyền thống tốt đẹp kết tinh từ bao đời nay đang tiếp tục được phát huy mạnh mẽ như: ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, tình đoàn kết, gắn bó… chính là nguồn lực tinh thần, làm nên sức mạnh để cả nước tự tin ứng phó đại dịch.