Nghề đáng quý

Từ lâu, dân gian ta đã có câu “Không thầy đố mày làm nên” để tổng kết và khẳng định công lao to lớn, vai trò quan trọng mang tính quyết định của người thầy trong suốt quá trình hướng dẫn, giáo dục, rèn luyện và đào tạo con người.

Ở bất kỳ thời kỳ, giai đoạn lịch sử nào, mỗi con người muốn trưởng thành, có học thức, đều phải trải qua các bậc học khác nhau từ thấp đến cao. Từ học chữ, học đọc, học đếm, học tính toán, học làm nghề, dần dần qua mỗi lớp học, mỗi cấp học để rèn luyện, nâng cao kiến thức, nhu cầu hiểu biết của bản thân và đáp ứng yêu cầu công việc của xã hội. Trong từng giai đoạn học tập ấy, người thầy giáo là người đồng hành thân thiết, gần gũi nhất để truyền đạt tri thức, hiểu biết cho các học trò thân yêu.

Hiện nay, khi tỷ lệ học sinh theo học các lớp bán trú từ bậc mầm non tới cấp tiểu học và trung học cơ sở ngày càng cao, nhất là ở các đô thị, thì sự tương tác giữa thầy giáo, cô giáo và học sinh ngày càng gắn bó hơn. Trong suốt tám giờ đồng hồ ấy, các thầy giáo, cô giáo thay mặt cha mẹ học sinh dạy dỗ, rèn luyện các học trò, quan tâm lo lắng cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ trưa để học trò có đủ sức khỏe, sự tỉnh táo, minh mẫn học buổi chiều được hiệu quả. Vì thế, vai trò, công lao của các thầy giáo, cô giáo đối với học sinh ngày càng lớn hơn trước, cũng như trách nhiệm đối với các em tăng thêm rất nhiều.

Thời gian qua, có rất nhiều tấm gương thầy giáo, cô giáo được biểu dương, khen thưởng bởi tấm lòng yêu nghề tha thiết, đức hy sinh hết mình cho các thế hệ mai sau. Dù công tác ở đô thị sôi động hay ở những vùng núi cao xa xôi, hẻo lánh, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, vất vả, các thầy giáo, cô giáo thật sự là những người cha, người mẹ hiền đã hết lòng chăm lo vì sự nghiệp trồng người để rèn luyện nên những con ngoan, trò giỏi cho quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đội ngũ hàng triệu thầy giáo, cô giáo đang miệt mài ngày đêm lo dạy chữ, dạy người, vẫn còn một số không nhỏ thầy giáo, cô giáo chưa chuyên tâm với nghề. Một số bảo mẫu không những không kiên trì chăm sóc trẻ mà còn có những hành vi phản cảm, gây bất bình trong dư luận; một số giáo viên chưa có những phương pháp sư phạm chuẩn mực, còn tham gia dạy thêm nhiều, khiến nhiều học sinh và phụ huynh vất vả về thời gian, chi phí tốn kém cho việc học, v.v.

Đất nước ta đang hướng tới những mục tiêu phát triển lớn để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong vòng 20 đến 30 năm tới. Để có thể thực hiện thành công khát vọng lớn lao ấy của dân tộc, ngay từ bây giờ, ngay từ lúc này, các cấp, các ngành và cả xã hội phải chung tay, góp sức xây dựng nền giáo dục phát triển bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Chính hơn 17 triệu học sinh, sinh viên đang theo học dưới các mái trường xã hội chủ nghĩa ngày hôm nay sẽ trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Họ sẽ góp phần quyết định và trực tiếp vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh. Muốn thế hệ tương lai đảm đương được trách nhiệm vinh quang đó, điều quan trọng là phải bồi đắp cho các em đầy đủ kiến thức, kỹ năng sống và sâu xa hơn là tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc, biết yêu đồng bào, biết có trách nhiệm với tương lai của dân tộc. Trọng trách ấy đang đặt lên vai của các thầy giáo, cô giáo.

Để thực hiện thành công sứ mạng thiêng liêng ấy, đội ngũ các thầy giáo, cô giáo rất cần những nỗ lực lớn lao hơn mới có thể hoàn thành nhiệm vụ của một nghề đáng quý.