Ngăn chặn từ gốc

Gần đây, trên internet, thực phẩm chức năng (TPCN) thường được quảng cáo với nhiều công dụng. Lợi dụng nhu cầu chữa trị của bệnh nhân, nhu cầu ngăn chặn bệnh tật của người tiêu dùng nói chung, nhiều công ty sản xuất, phân phối TPCN đưa ra thông tin mập mờ về chức năng, công dụng của TPCN, coi TPCN như thuốc chữa bệnh. Nhiều doanh nghiệp lập ra website “ma”, sử dụng mạng xã hội để rao bán, gán cho TPCN công dụng “trên trời”.

Đáng nói là trong số TPCN được quảng cáo gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh, có cả sản phẩm được cho là có thể điều trị bệnh nan y như: ung thư, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, gout, thận, gan... Tin theo quảng cáo, không ít người mua TPCN để sử dụng, bỏ qua việc đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, chữa trị bệnh, bỏ qua thời gian vàng để chữa bệnh hiệu quả, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tính mạng, thiệt hại cả về kinh tế.

Trước tình trạng đó, cơ quan chức năng áp dụng nhiều chế tài để xử lý. Kể từ ngày Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP), với nhiều mức xử phạt tăng nặng về vi phạm điều kiện bảo đảm ATTP, vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP…, có hiệu lực, Thanh tra Sở Y tế, Ban Quản lý ATTP và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa phương thực hiện hậu kiểm về ATTP tương đối hiệu quả, xử lý nhiều trường hợp. Trong chín tháng năm 2019, cả nước xử phạt các cơ sở vi phạm hành chính về ATTP nói chung, trong đó có TPCN, với số tiền hơn 46 tỷ đồng.

Bộ Y tế cũng triển khai áp dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP). Theo đó, kể từ ngày 1-7-2019, các cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có giấy chứng nhận GMP mới được sản xuất. Cho đến nay, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có gần 100 cơ sở có chứng nhận GMP trong sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tương đương hàng nghìn sản phẩm được đưa ra thị trường.

Cùng với đó, trên các trang thông tin cũng như trên phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Y tế liên tục công bố địa chỉ website, cơ sở sản xuất quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không bảo đảm chất lượng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, quảng cáo quá mức công dụng của sản phẩm, sử dụng hình ảnh bác sĩ và cơ sở, đơn vị y tế để quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng…

Dù cơ quan quản lý nhà nước có nhiều nỗ lực nhưng thực tế cho thấy, từ lúc sản phẩm được quảng cáo đến khi bị xử phạt thường là khoảng thời gian dài, nhiều doanh nghiệp vi phạm, bị phát hiện và xử phạt, sau đó tiếp tục vi phạm. Có không ít doanh nghiệp vi phạm quy định không thừa nhận sản phẩm được quảng cáo là của mình; tuyên bố không thực hiện hành vi quảng cáo hoặc trang web quảng cáo hoặc trang mạng xã hội có quảng cáo không phải của mình… Thành thử, người tiêu dùng tiếp tục gánh hậu quả, trong khi cơ quan chức năng lúng túng bởi vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Để ngăn chặn từ gốc hiện tượng “vàng thau lẫn lộn”, quảng cáo sai sự thật về TPCN, người tiêu dùng cần tự nâng cao nhận thức, không sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường. Về mặt quản lý nhà nước, cần nhanh chóng xây dựng quy chế riêng, tạo cơ sở pháp lý về quản lý TPCN, thúc đẩy sản xuất TPCN theo hướng GMP, tích cực tuyên truyền để người dân hiểu đúng về TPCN… Hơn thế, quản lý TPCN không phải là chuyện của riêng cơ quan, đơn vị nào mà cần có sự chung tay phối hợp của nhiều bộ, ngành, đơn vị.