Nâng tầm một nghị quyết

Ra đời cách đây 10 năm, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa X ban hành về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo ra luồng gió mới, cải thiện đáng kể đời sống người dân ở nông thôn nước ta, giúp cho quá trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả rất tích cực và có ý nghĩa to lớn trong quá trình xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Có thể nói rằng, với hơn 70 phần trăm dân số nước ta đang sinh sống, làm việc ở khu vực nông thôn, việc ra đời Nghị quyết về "tam nông" đã đáp ứng trúng và đúng những yêu cầu, nguyện vọng lớn lao nhất của bà con nông dân trong thời kỳ đổi mới. Ðó là cách thức xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ từ điện, đường, trường, trạm đến hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quá trình đầu tư lớn cho sản xuất nông nghiệp đã giúp công tác chăn nuôi, trồng trọt của người dân đạt được những kết quả tích cực, nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, việc đáp ứng xây dựng các thiết chế như nhà văn hóa, thư viện, bưu điện văn hóa xã là những địa điểm sinh hoạt chung quan trọng giúp cho người dân tại địa phương có không gian giao lưu, trao đổi, là nơi để cán bộ địa phương gặp gỡ người dân, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con, qua đó có cách thức tổ chức, lãnh đạo phong trào hiệu quả hơn.

Với những cách làm hay, hiệu quả ở nhiều địa phương, có thể thấy rằng Nghị quyết về "tam nông" đã tạo ra những bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tại những địa phương làm tốt phong trào xây dựng nông thôn mới, đường sá đến tận các thôn, xóm đều phong quang, rộng rãi và sạch sẽ, môi trường trong lành. Ðời sống người dân cải thiện nhờ việc canh tác, nuôi trồng thuận tiện là điều kiện để bà con xây dựng nhà cửa khang trang, đẹp đẽ. Kinh tế khấm khá, môi trường trong lành, tình làng nghĩa xóm ngày càng thân thiện. Ðây cũng là điều kiện thuận lợi giúp cho quá trình xây dựng nếp sống mới tốt hơn khi người dân được tiếp xúc, tìm hiểu và được tuyên truyền về các quy định nếp sống văn hóa mới, dần loại bỏ những hủ tục lạc hậu, hạn chế những bức xúc nảy sinh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, lãnh đạo một số địa phương đã nóng vội, không tìm hiểu kỹ lưỡng thực tế và tâm tư, nguyện vọng của người dân dẫn đến việc huy động quá mức nguồn lực của nhân dân khiến người dân chưa đồng lòng ủng hộ. Việc xây dựng hạ tầng cơ sở không tính toán kỹ lưỡng đến nguồn vốn ngân sách đã dẫn đến tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản còn nhiều, gây lãng phí ngân sách và sự đóng góp của người dân.

Với những lợi ích thiết thực và bao trùm ấy, việc triển khai Nghị quyết về "tam nông" trong thời kỳ mới đang tạo thế và lực mới để cải thiện bộ mặt nông thôn, giúp người nông dân thực hiện được ước mơ nghìn đời nay là ăn no, mặc ấm.

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong thực hiện nghị quyết về "tam nông" sẽ phải nâng lên tầm cao mới để bà con nông dân có điều kiện được trang bị kiến thức, kỹ năng làm việc năng động hơn, áp dụng khoa học - công nghệ, những phát kiến mới trong nông nghiệp tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao trên chính đồng đất quê hương mình. Làm giàu trên chính đồng đất quê hương, đó là một bước thay đổi tư duy cần thiết và chính đáng, để từ nay về sau người dân sẽ không chỉ còn lo ăn sao đủ no, mặc sao đủ ấm mà còn phải tiến tới mục tiêu "ăn ngon, mặc đẹp". Có như vậy, công cuộc xây dựng đất nước ta hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới thật sự bền vững, giảm bớt chênh lệch giàu nghèo, nâng cao trình độ phát triển và dân trí, cải thiện dân sinh, thực hiện thành công mục tiêu dân chủ và công bằng xã hội.

Ðó cũng là cái đích mà Nghị quyết về "tam nông" cần nhằm đến trong tình hình mới.