Nâng tầm chuẩn mực, giá trị

Đất nước vừa trải qua giai đoạn cam go chống đại dịch Covid-19. Trong khó khăn, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân Việt Nam có cơ hội tỏa sáng. Từ già đến trẻ, từ thành phố tới vùng sâu, vùng xa, mỗi người bằng việc làm cụ thể của mình cùng góp công, góp sức vào công cuộc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Ngày 23-1, bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Ngót trăm ngày đêm có lẻ cũng là khoảng thời gian các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên… tại các cơ sở y tế, khu vực cách ly trên toàn quốc đảm nhiệm vai trò chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Có bác sĩ làm việc không có ngày nghỉ, trực 24/24 giờ, có người hàng tháng trời không gặp vợ, chồng, con cái. Tại các khu cách ly, chỉ một ca có biểu hiện sốt, những người thầy thuốc phải thức trắng đêm… Vượt qua nỗi lo phơi nhiễm SARS-CoV-2, các "chiến sĩ áo blu" chăm sóc chu đáo, điều trị khỏi nhiều bệnh nhân. Việc điều trị thành công những bệnh nhân đầu tiên là cơ sở để thống nhất, lên phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19 cả nước.

Quân đội cũng là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch. Những người lính theo từng đơn vị, lĩnh vực được phân công tham gia nhiều hoạt động như: trực tiếp làm nhiệm vụ tại điểm cách ly, tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở khu vực biên giới, phát hiện, tiếp nhận người nhập cảnh trái phép về khu cách ly… Có chiến sĩ, vợ sinh con đầu lòng vẫn không về kịp, bởi đang cùng đồng đội căng mình nơi biên giới xa xôi. Những tấm gương thầm lặng ấy góp phần tôn vinh, lan tỏa tấm gương Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới.

Cũng ở vị trí xung kích, lực lượng công an nhân dân cũng nỗ lực phòng, chống dịch bằng nhiều việc làm cụ thể như chốt trực 24/24 giờ, giám sát, tuyên truyền, chủ động xây dựng phương án khi có tình huống phát sinh, đấu tranh với tội phạm để giữ vững an ninh trật tự… Việc làm thiết thực của cán bộ, chiến sĩ công an tạo nên hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân.

Tháng 3 năm nay được coi là Tháng Thanh niên đặc biệt khi Trung ương Ðoàn không tổ chức các cuộc ra quân, không kỷ niệm ngày thành lập, mà đi vào nội dung cụ thể, nhưng được đoàn viên tham gia tích cực, nhằm hỗ trợ người dân phòng, chống dịch. Ðoàn Thanh niên trong cả nước đã nở rộ nhiều mô hình sáng tạo như: tổ chức các điểm rửa tay từ vật dụng tái chế, phát huy sáng kiến, giải pháp công nghệ từ đội ngũ trí thức là đoàn viên, thanh niên, ứng dụng mô hình thanh niên "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, hỏi từng công dân" để tuyên truyền, hỗ trợ người dân khai báo y tế…

Trong các tầng lớp nhân dân, không chỉ doanh nhân, người nổi tiếng đóng góp của cải, vật chất, công sức mà mỗi người bình thường đều có ý thức trong chống dịch. Có những hộ người dân tộc thiểu số sẵn sàng nhường phần đất của gia đình để bộ đội làm chốt gác, có những bà, những chị mang lương thực, thực phẩm đến tặng các khu cách ly. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt, 97 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh hằng ngày cần mẫn may khẩu trang vải tặng mọi người làm từ thiện. Năm cụ già neo đơn ở Cà Mau dồn tiền tiết kiệm ủng hộ Nhà nước chống dịch, chống hạn - mặn…

Trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Ðảng vào tháng 2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là một truyền thống quý báu của ta". Tại Ðại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, năm 1961, Người gửi đến quốc dân, đồng bào thông điệp về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, đoàn kết rộng rãi, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết thật sự: "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".

Những nghĩa cử, việc làm bình dị, cao quý bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, đoàn kết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng căn dặn đang được phát huy. Và việc toàn dân đồng lòng chống dịch, tiếp tục nỗ lực phục hồi kinh tế đất nước là minh chứng cho thấy việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang đi sâu vào tâm thức, nâng tầm chuẩn mực, giá trị trong tư duy và hành động của mỗi người.