Năm học mới trong “bình thường mới”

Từ tuần này, hầu hết học sinh cả nước bước vào năm học mới. Do diễn biến của dịch Covid-19 còn phức tạp, nên thay vì lịch tựu trường và khai giảng như mọi năm, năm nay, các tỉnh, thành phố đã đưa ra những kịch bản khác nhau trên cơ sở khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành.

Hầu hết các địa phương trên cả nước đều ban hành kế hoạch năm học 2020-2021, theo đó thời gian tựu trường vào ngày 1-9 và tổ chức khai giảng vào ngày 5-9, triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19 trước khi đón học sinh. Tuy nhiên, các địa phương đều chủ động xây dựng các phương án để lựa chọn triển khai tùy tình hình cụ thể, tùy từng khu vực.
 
 Tại Hà Nội, lễ khai giảng sẽ được tổ chức vào sáng 5-9, tùy điều kiện thực tế, các trường bố trí số lượng học sinh tham dự phù hợp, bảo đảm giãn cách; có thể tập trung đại diện học sinh dự lễ khai giảng đồng thời/hoặc tổ chức khai giảng tại lớp. Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đề xuất hai phương án gồm: tập trung đầy đủ học sinh các khối lớp dự lễ khai giảng; tập trung đại diện học sinh dự lễ, riêng học sinh đầu cấp tham dự đầy đủ. Đối với các tỉnh, thành phố trong thời gian giãn cách xã hội, các cơ sở giáo dục tổ chức khai giảng theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, cũng có thể không tổ chức khai giảng, hoặc thậm chí lùi thời gian bắt đầu năm học mới…
 
 Để đón học sinh tới trường, các cơ sở GD&ĐT tổng vệ sinh, tiến hành phun thuốc khử trùng, đầu tư thiết bị, vật tư y tế, cử nhân viên y tế tham gia tập huấn về phòng, chống dịch bệnh để phổ biến cho giáo viên, nhân viên, kiểm tra xe đưa đón học sinh và điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh. Lễ khai giảng theo hình thức trực tiếp hay trực tuyến đều được tổ chức ngắn gọn, bảo đảm đúng nội dung, tạo không khí vui tươi trong ngày khai giảng, nhưng cũng hạn chế các thủ tục rườm rà không cần thiết.
 
 Công việc chuẩn bị năm học mới cơ bản được ngành giáo dục tại các địa phương tổ chức chu đáo, an toàn…, đáp ứng yêu cầu của Bộ GD&ĐT, đồng thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, có thể thấy năm học 2020 - 2021 sẽ là một năm đầy thử thách, khó khăn đối với người làm quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh khi ngành khởi động chương trình giáo dục phổ thông mới vào thời điểm làn sóng dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu ngừng lây lan.
 
 Đại dịch Covid-19 tác động nhiều mặt kinh tế - xã hội, ngành GD&ĐT không nằm ngoài tác động đó. Từ đầu tháng 2 đến nay, không ít cơ sở giáo dục đóng cửa, chuyển đổi hình thức hoạt động. Theo đánh giá của nhóm chuyên gia Trường đại học Kinh tế quốc dân về tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, dịch vụ giáo dục nằm trong nhóm có mức suy giảm kinh tế lớn nhất. Chưa kể chi phí tiêu độc, khử trùng, phòng, chống dịch bệnh, trả lương giáo viên, nhân viên trong nhiều tháng qua, việc chuyển sang hình thức dạy - học trực tuyến khiến chương trình xáo trộn, phải thiết kế lại, chi phí giáo dục tăng đáng kể trong khi chất lượng dạy - học chưa thật sự bảo đảm.
 
 Trong bối cảnh hiện nay, để sớm vượt qua khó khăn, thử thách, các cấp, các ngành, đặc biệt ngành GD&ĐT phải tạo ra môi trường giáo dục an toàn, môi trường tâm lý an toàn, giúp cho học sinh, giáo viên yên tâm khi học tập, làm việc; các bậc phụ huynh tin tưởng khi gửi gắm con em tại các cơ sở giáo dục. Cùng với đó, ngành GD&ĐT cũng cần cơ cấu lại trên các phương diện nhân lực, phương tiện, chương trình, hình thành khung khổ pháp lý, các điều kiện cần thiết để triển khai đào tạo (giảng dạy, học tập), đánh giá kết quả đào tạo (thi cử) bằng phương thức trực tiếp, vừa có thể triển khai bằng phương thức trực tuyến…, nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong “trạng thái bình thường mới”.