Mừng, nhưng chưa hết lo!

Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho hay, trong tháng 9 và chín tháng năm 2020, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên toàn quốc giảm sâu cả ba tiêu chí so cùng kỳ năm 2019. Ðiều này cho thấy sự chuyển biến về ý thức và hành vi của người tham gia giao thông cùng hiệu quả của các biện pháp mà cơ quan chức năng triển khai thời gian vừa qua.

Trong tháng 9, toàn quốc xảy ra 1.184 vụ TNGT, làm chết 534 người và làm bị thương 882 người; giảm 11,9% số vụ, giảm 5,15% số người chết, giảm 14,53% số người bị thương so tháng 9-2019. Chín tháng năm 2020, toàn quốc xảy ra 10.354 vụ TNGT, làm chết 4.876 người, bị thương 7.609 người; so chín tháng năm 2019, số vụ giảm 18,31%, số người chết giảm 13,84%, số người bị thương giảm 20,9%. Trong từng lĩnh vực giao thông cụ thể, cả ba tiêu chí đều giảm, có duy nhất lĩnh vực giao thông đường thủy tăng về số vụ và số người chết.

Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cũng là năm Nghị định số 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (NÐ 100) có hiệu lực. Từ đầu năm, cơ quan chức năng, ban, ngành và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Luật và Nghị định này. Phần lớn người tham gia giao thông hiểu rằng đã uống rượu, bia thì không lái xe, chủ động sử dụng phương tiện công cộng, ta-xi, xe ôm... sau khi sử dụng đồ uống có cồn… Ý thức chấp hành Luật và NÐ 100 giúp hình thành dần nét văn hóa mới trong sử dụng phương tiện giao thông.

Một nguyên nhân lớn nữa kéo giảm TNGT là do dịch Covid-19. Từ đầu năm tới nay, dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp khiến nhu cầu đi lại của người dân trong nước giảm. Ðặc biệt, người dân chủ động hạn chế tối đa hoạt động đi lại trong đợt giãn cách xã hội toàn quốc theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 4 cũng như hoạt động giãn cách xã hội tại một số tỉnh, thành phố là tâm dịch hoặc có nguy cơ bùng phát dịch cao vào hồi tháng 7, 8, 9…

Dù vậy, trên thực tế, số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn còn cao, vẫn xảy ra TNGT do người tham gia giao thông uống rượu, bia gây ra. Trong hơn 2,5 triệu trường hợp bị lập biên bản vi phạm an toàn giao thông trên toàn quốc từ đầu năm đến nay, có hơn 118 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Các vụ TNGT làm chết và bị thương nhiều người tiếp tục gây tâm lý lo lắng trong nhân dân. Từ tháng 6 trở lại đây, xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Các hiện tượng, vụ việc như vậy cùng nhu cầu đi lại của người dân giảm do dịch Covid-19 là minh chứng tình hình trật tự, an toàn giao thông còn phức tạp, có chuyển biến tích cực nhưng chưa bền vững.

Nguyên nhân được xác định là do ý thức chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp chưa cao; còn buông lỏng trong công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và trật tự xây dựng dọc theo các tuyến quốc lộ, còn bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống quy định pháp luật chưa hoàn thiện, có kẽ hở…

O đó, để kiềm chế và kéo giảm TNGT một cách bền vững, cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền mọi tầng lớp nhân dân tuân thủ các quy định về pháp luật an toàn giao thông, nâng cao ý thức người dân, xây dựng văn hóa giao thông; quy hoạch, quản lý, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; cùng với các biện pháp hành chính, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông… Như vậy, mối lo về an toàn giao thông mới có thể sớm được giải tỏa.