Mở cửa, nhưng không được chủ quan

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, ứng phó kịp thời, linh hoạt của cả hệ thống chính trị, đợt dịch Covid-19 lần này về cơ bản đã và đang được kiểm soát chặt trên quy mô toàn quốc. Ðến nay, số lượng bệnh nhân khỏi bệnh là hơn 900 người trong tổng số hơn 1.000 người, số ca mắc mới được phát hiện hằng ngày thấp hơn hẳn giai đoạn trước và chủ yếu là trường hợp nhập cảnh.

Ðây là lý do từ trung tuần tháng 9, các cấp, ngành, nhiều địa phương bắt đầu giảm giãn cách xã hội, chuyển trạng thái áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 mới, khôi phục hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất ở các lĩnh vực, ngành nghề có hệ số an toàn cao, nới lỏng có kiểm soát những lĩnh vực còn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh… Các hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương được mở cửa trở lại trên cơ sở tiếp tục theo dõi chặt, xây dựng phương án ứng phó, phòng dịch, khoanh vùng, dập dịch nhanh nếu phát hiện…

TP Ðà Nẵng, nơi từng là tâm điểm của đợt dịch thứ hai này, các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động trở lại nhưng phải có cam kết và thực hiện phòng, chống dịch; tiếp tục phân chia tần suất đi chợ của người dân theo "thẻ đi chợ"; bỏ quy định giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải xuất phát từ Ðà Nẵng; các trường THPT, THCS, trung tâm giáo dục thường xuyên bắt đầu đi học lại từ ngày 14-9. Các tỉnh như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh… cũng xây dựng phương án phù hợp.

Tại Hà Nội, UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành chuẩn bị điều kiện để nới lỏng, tổ chức một số hoạt động tập trung đông người trên cơ sở bảo đảm an toàn phòng dịch, chuẩn bị giải pháp phòng, chống dịch khi các đường bay thương mại quốc tế đến Hà Nội được mở lại, tổ chức tốt cách ly đối với người nhập cảnh, phục hồi, phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường trong nước, đẩy mạnh khuyến mãi, kích cầu… UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa họp để xây dựng giải pháp tăng tốc hồi phục và tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2020 khi dịch Covid-19 có dấu hiệu được kiểm soát…

Dù vậy, ở một số địa phương xuất hiện hiện tượng người dân không đeo khẩu trang, không áp dụng biện pháp bảo vệ khi tiếp xúc nhiều người nơi công cộng. Trên tuyến phố trung tâm các thành phố lớn vẫn có việc tụ tập đông người, buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường gây mất trật tự đô thị và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Sau thời gian dài căng thẳng, khi các ca lây nhiễm đã giảm, không ít cá nhân, đơn vị có tâm lý "xả hơi", lại cũng có doanh nghiệp nóng lòng tập trung phục hồi hoạt động kinh doanh, sản xuất, bỏ qua công tác phòng, chống dịch…

Nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch tích cực, vừa đẩy mạnh sản xuất đã đạt kết quả bước đầu. Song, trên thực tế, nước ta xác định sẽ phải tiếp tục "sống chung với dịch". Theo các chuyên gia dịch tễ, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể tiếp tục có ca mắc trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh thời gian tới nước ta mở cửa, cho nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế tới Việt Nam, số lượng người nhập cảnh gia tăng…

Trên cơ sở đó, người dân, doanh nghiệp cần xây dựng quy định về hoạt động của mình trong "trạng thái bình thường mới", thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhưng cảnh giác, kiểm soát chặt dịch bệnh, bảo đảm an toàn. Các bộ, ngành, địa phương vừa thúc đẩy đầu tư, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, vừa tăng cường chế tài, xử phạt trường hợp vi phạm công tác phòng, chống Covid-19, chủ động hình thành phương án ứng phó dịch bệnh… "Mở cửa, lo làm ăn kinh doanh nhưng không được chủ quan" cũng là tinh thần chỉ đạo của Ðảng, Chính phủ trong giai đoạn tới.

HOÀNG VŨ