Mạch ngầm kết nối

Tháng 11 hằng năm với tâm điểm ngày 20-11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ tình cảm và sự biết ơn với các thầy giáo, cô giáo, cũng là dịp để xã hội tri ân những người làm công tác "trồng người", người làm việc trong ngành giáo dục nói chung. Ðây là nét đẹp gắn với tinh thần "Tôn sư trọng đạo" được bồi đắp từ nghìn đời, trở thành đạo lý của dân tộc Việt Nam.

Tinh thần "Tôn sư trọng đạo" đề cao vai trò người thầy và lòng hiếu học. Trong xã hội cũ, người thầy chỉ đứng sau vua, là biểu trưng cho đạo đức, nhân cách, trí tuệ. Cũng bởi thế, người thầy luôn có ý thức về "đạo làm thầy", người đi học luôn giữ "đạo làm trò". Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, có nhiều thầy giáo nổi tiếng không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà cuộc đời của họ, nhân cách của họ còn là tấm gương sáng để học trò noi theo.

Ngày nay, người thầy vẫn giữ vị trí quan trọng. Xã hội phát triển, đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao về trình độ trong mọi lĩnh vực. Nhiều thầy, cô giáo dành tâm sức chăm lo sự nghiệp trồng người. Có không ít thầy, cô giáo đào tạo nên các thế hệ học trò làm rạng danh quê hương, đất nước, cống hiến năng lực, trí tuệ cho xã hội. Có những thầy, cô giáo hy sinh hạnh phúc cá nhân, ngày đêm lặng thầm, vượt qua khó khăn, gian khổ để dạy chữ cho học trò, dành tình thương yêu, sự quan tâm sâu sát đến học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Tuy nhiên, khi môi trường giáo dục cởi mở và dân chủ hơn, bên cạnh những mặt tích cực, đáng buồn là mối quan hệ thầy - trò có nơi, có lúc không còn như trước. Xuất hiện tiêu cực trong học hành, thi cử, có những thầy, cô giáo chưa đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Lại cũng có những học sinh xúc phạm danh dự, uy tín của thầy, cô giáo và nhà trường, gây ra những tổn thương với giáo viên, thậm chí đưa người đến trường "xử lý" thầy, cô giáo… Trong thời đại công nghệ thông tin, mỗi khi xuất hiện vấn đề nóng liên quan ngành giáo dục, thầy, cô giáo đôi khi còn trở thành nạn nhân của những kẻ ác ý trên mạng xã hội.

Những hành vi, hiện tượng như vậy vô tình hạ thấp vai trò của người thầy, khiến mối quan hệ thầy - trò mất đi giá trị cao quý, thiêng liêng, môi trường giáo dục bị tổn hại. Cùng với đó, mặt trái của kinh tế thị trường còn biến quan hệ thầy - trò thành quan hệ mua - bán, quan hệ giữa khách hàng và người bán hàng… Ðiều này khiến không ít người lo ngại rằng truyền thống "Tôn sư trọng đạo" đang bị mai một, thậm chí có người còn cho rằng những giá trị đó đã trở nên lỗi thời.

Thực tế cho thấy, hoạt động dạy và học ngày nay không gói gọn trong phạm vi thầy - trò mà được cả xã hội quan tâm, giám sát. Những sự việc tiêu cực liên quan ngành giáo dục đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Xã hội phát triển, đất nước đổi mới tất yếu đòi hỏi người thầy phải nâng cao trình độ và hoàn thiện mình hơn nữa… Nhưng cũng không phải mọi tiêu cực của ngành giáo dục đều quy hết trách nhiệm cho người thầy. Bản thân học trò, người tiếp nhận kiến thức và cả các bậc phụ huynh cũng phải có ý thức góp phần xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, hiện đại, văn minh. Có sự đồng lòng như vậy, tinh thần "Tôn sư trọng đạo" mới phát huy giá trị trong thời kỳ mới.

Hoạt động vinh danh, tri ân, chăm lo người làm công tác giáo dục trong cả nước những ngày này là minh chứng cho thấy dù xã hội phát triển đến đâu, vai trò, vị trí thầy, cô giáo vẫn luôn được coi trọng. Và truyền thống "Tôn sư trọng đạo" tiếp tục là mạch ngầm thao thiết chảy, kết nối các thế hệ.