Hoàn thiện chuẩn mực văn hóa công vụ

Nhận thức sâu sắc những điều bức thiết cần phải xốc lại trong toàn hệ thống thực thi công vụ, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Văn hóa công vụ nhằm góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc, chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần sớm hình thành và tạo bản sắc rõ nét trong văn hóa công vụ.

Không phải đến giờ văn hóa công vụ mới được quy định, văn bản hóa, mà trong từng thời điểm, từng yêu cầu nhiệm vụ của các ngành, các cơ quan khác nhau đều đã có những quy định, quy tắc ứng xử cụ thể. Và hẳn mỗi cán bộ, công chức, viên chức hôm nay ngay từ nhỏ cho đến khi cắp sách đến trường, trở thành sinh viên, rồi học viên nhiều lớp, nhiều khóa bồi dưỡng cả về chuyên môn lẫn đạo đức đều thường xuyên được nhắc nhở về các quy tắc ứng xử, về văn hóa công vụ, thái độ phục vụ nhân dân. Các viên chức ngành y hẳn không ai không biết đến lời thề Hippocrates; các quân nhân lực lượng vũ trang đều phải thuộc lòng "Mười lời thề danh dự", những lời Bác Hồ dạy,… rồi tác phong lãnh đạo phải gần dân, biết trăn trở điều nhân dân trăn trở luôn được nhắc đi nhắc lại. Ấy thế nhưng, không ít người khi được giao trọng trách, khi thực thi công vụ vì nhiều lý do khác nhau (mà phần lớn là vì lợi ích cá nhân), đã quên những điều đẹp đẽ ấy.

Ðề án Văn hóa công vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể, góp phần siết lại cung cách, thái độ làm việc, thái độ phục vụ nhân dân cũng như ứng xử với đồng nghiệp, với tập thể. Nội dung đề án đã đặt trúng trọng tâm là bốn vấn đề lớn: tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống; trang phục của cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, kiên quyết bài trừ thói xu nịnh, tham nhũng, "tư duy nhiệm kỳ" trong môi trường công sở. Muốn thế, vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cần phải được coi trọng. Nếu người đứng đầu thật sự "công chính liêm minh", có trách nhiệm, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia thì sẽ là nhân tố quy tụ sự đoàn kết, phát huy trí tuệ của cả một tập thể, tạo động lực làm việc cho mỗi cán bộ cấp dưới. Từ đó thói xu nịnh, hay những biểu hiện tiêu cực khác cũng sẽ không còn chỗ ẩn nấp; tạo môi trường dân chủ, công bằng trong cơ quan, đơn vị.

Thời gian qua, nhiều người dân đã bày tỏ sự không hài lòng, thậm chí cảm thấy mệt mỏi mỗi khi có việc phải đến "cửa công". Thông qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, người dân vẫn thường phản ánh thái độ quan liêu, hách dịch, thiếu trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức… Sửa đổi tác phong, lề lối làm việc, chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức khi tiếp dân cũng là nhiệm vụ cấp bách đề án đặt ra.

Ðề án Văn hóa công vụ cũng đưa ra các giải pháp để thực thi như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đạo đức, văn hóa công vụ trong kế hoạch thanh tra hằng năm của Bộ Nội vụ. Như vậy, sau Quyết định phê duyệt đề án lần này của Thủ tướng Chính phủ, đòi hỏi mỗi cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương cần sớm quán triệt nội dung Ðề án, sớm có các hình thức sinh hoạt, học tập nhằm phổ biến các nội dung quan trọng, cần thiết khi thi hành công vụ.

Muốn Ðề án Văn hóa công vụ thật sự khả thi, phát huy hiệu quả trong đời sống, đòi hỏi phát huy cao nhất tinh thần tự giác, tự nguyện, tự soi, tự sửa của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó là cơ chế kiểm tra, giám sát, kỷ luật nghiêm minh của không chỉ các cơ quan chức năng, mà phải biết dựa vào dân, lắng nghe ý kiến, phản ánh của người dân làm căn cứ để xử lý và điều chỉnh thái độ, cung cách phục vụ, ứng xử khi thi hành công vụ.