Hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng

Dư luận tuần qua chưa hết nóng với việc tại một số địa phương có hiện tượng tiền hỗ trợ trong gói an sinh xã hội dành cho người dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được “chi trả nhầm”. Đáng nói là không ít gia đình khá giả, cán bộ xã xuất hiện trong danh sách nhận tiền, trong khi người hoàn cảnh thật sự khó khăn lại không được nhận hỗ trợ.

Từ ngày 9-4, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, các nhóm đối tượng gồm: người có công với cách mạng; người được bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động; hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần ổn định xã hội trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống người dân; thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ðảng và Nhà nước. Cũng vì thế, sau khi Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 có hiệu lực, các bộ, ngành, địa phương lập tức thực hiện chi trả từ cuối tháng tư.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh trị giá 62 nghìn tỷ đồng ở nhiều nơi còn vướng mắc. Riêng bảy nhóm đối tượng thụ hưởng đã lên tới khoảng 20 triệu người thuộc nhiều thành phần khác nhau. Cùng với đó, việc thực hiện cũng do các cơ quan, ban, ngành khác nhau tiến hành, tùy từng lĩnh vực, từng cấp. Những yếu tố này ít nhiều gây lúng túng trong việc xác định đối tượng chi trả.

Trước khi triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP, cơ quan hữu quan xác định lực lượng lao động tự do là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, song khó định lượng tiêu chí, công việc… Vào việc mới phát hiện, không chỉ ở nhóm này, ở cả nhóm dễ xác định như hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng nảy sinh vấn đề. Tại một số địa phương, việc bình xét, rà soát hộ nghèo, cận nghèo những năm qua còn sót, lọt trường hợp không đúng đối tượng. Xem xét, kiểm tra mới lộ ra hộ cận nghèo có nhà lầu, xe hơi; hộ cận nghèo được họ hàng “nhường suất” để được ưu đãi vay vốn, miễn giảm học phí, khám, chữa bệnh; sáp nhập nhân khẩu để giảm tỷ lệ hộ nghèo…

Bên cạnh những vướng mắc bắt nguồn từ “yếu tố lịch sử”, lại cũng phải thấy không loại trừ trở ngại do cán bộ thực thi làm sai, hoặc một bộ phận người dân cố tình khai báo sai để được hưởng hỗ trợ, dễ dẫn tới tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách. Việc ở một số địa phương có hiện tượng người thân của cán bộ cấp xã, huyện, hoặc chính gia đình cán bộ xã, huyện được hưởng hỗ trợ, việc chi hỗ trợ sai đối tượng… mà các phương tiện truyền thông phản ánh thời gian qua cho thấy nguy cơ nói trên đang hiện hữu.

Như vậy, dù phải làm rất khẩn trương, song nếu không thực hiện cẩn trọng, vô hình trung, gói an sinh xã hội này sẽ giảm giá trị nhân văn, tích cực. Để hỗ trợ kịp thời, đúng người, đúng đối tượng, cùng với việc xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, trục lợi chính sách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, chính quyền và người dân phải đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, xem xét, phê chuẩn trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch. Các ngành, địa phương cũng cần hướng dẫn cụ thể, tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong việc xác định đối tượng thụ hưởng.