Hiếu kỳ, từ đường phố đến mạng xã hội

Tuần này, cháy lớn xảy ra tại một công ty nằm trong Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Hồ Chí Minh). Hỏa hoạn không gây thiệt hại về người, tuy nhiên, nhiều hàng hóa của công ty nói trên đã bị thiêu rụi. Đáng chú ý là bất chấp lực lượng chức năng đề nghị rời khỏi hiện trường, nhiều người dân vẫn tập trung theo dõi vụ cháy, không ít người dừng hẳn phương tiện giao thông dưới lòng đường, làm cản trở công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.

Những hình ảnh ấy không hiếm gặp trong xã hội ngày nay. Không riêng gì hỏa hoạn mà các sự việc như tai nạn giao thông, ẩu đả, án mạng, vây bắt tội phạm, xử lý vật liệu nổ… đều thu hút sự tập trung, chú ý của hàng trăm, hàng nghìn người dân. Trong số đông đó, người có ý thức thì thông báo cho cơ quan chức năng biết để giải quyết, hỗ trợ lực lượng chức năng giải quyết vụ việc, cấp cứu người bị nạn. Lại cũng có nhiều người không có nhiệm vụ gì vẫn dừng lại để xem xét, bàn luận. Thậm chí còn thừa cơ trục lợi như “hôi của”, lấy cắp,v.v.

Những hành vi như vậy xuất phát từ tính hiếu kỳ, nhưng vô hình trung lại gây cản trở cơ quan chức năng làm nhiệm vụ, gây ùn tắc giao thông, gây mất trật tự công cộng, xáo trộn dấu vết tại hiện trường… Nhiều trường hợp tụ tập đông người quanh hiện trường hỏa hoạn, tai nạn giao thông làm tiêu hao “thời gian vàng” có thể cứu chữa kịp thời các nạn nhân, gián tiếp gây chết người. Đó là còn chưa kể việc tụ tập đông người cũng gây nguy hiểm cho chính họ nếu tại hiện trường tiếp tục xảy ra sự cố.

Thời gian gần đây, khi công nghệ phát triển mạnh mẽ, mặt trái của tính hiếu kỳ có cơ hội nhân lên. Có mặt ở hiện trường tai nạn giao thông, hỏa hoạn, án mạng…, không ít người thay vì giúp đỡ người bị nạn, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng làm việc, lại sử dụng thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng… để ghi hình, quay clip, quay phim và phát trực tiếp lên internet để “câu like”, để tăng số lượt view cho trang cá nhân của mình, cho sản phẩm mà mình tạo ra.

Cũng nhằm khai thác tính hiếu kỳ, tò mò của người xem, người đọc, xuất hiện trên internet nhiều trang, nhiều diễn đàn có tên gắn với từ “hóng” như hóng chuyện, hóng biến, hóng hớt, hóng 24h…, thu hút lượng lớn người theo dõi, truy cập. Tại các trang cá nhân, các diễn đàn này, nhiều hình ảnh chưa được kiểm chứng liên quan bạo lực, kinh dị, máu me xuất hiện. Cùng với đó là những bình luận vô trách nhiệm, thông tin không chính xác, những lời nói thêm phần tổn thương đối với nạn nhân của các sự cố, đối với người nhà các nạn nhân, thậm chí gây khó khăn cho công tác điều tra của cơ quan chức năng… Từ sự hiếu kỳ đến thói vô cảm, thờ ơ, bàng quan chỉ là khoảng cách ngắn.

Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, “hiếu kỳ” là tính từ, để chỉ sự “ham thích những điều mới lạ”. Người hiếu kỳ là người muốn được nắm bắt đầy đủ những thông tin mà mình quan tâm. Hiếu kỳ không phải là tính xấu, không phải đặc trưng của riêng nhóm người nào, cộng đồng nào, cũng không có điều luật ngăn cấm sự hiếu kỳ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cụ thể, nước ta có quy định, chế tài tương ứng được nêu trong luật pháp như: Bộ luật Hình sự 2015, Luật Phòng cháy và Chữa cháy, Luật An ninh mạng, các nghị định của Chính phủ…

Dẫu vậy, điều quan trọng hơn cả là trong cuộc sống hiện đại, văn minh, sự hiếu kỳ phải gắn chặt với ý thức công dân. Nếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự xã hội, đến những người chung quanh, những hành động nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ như trên nên được hạn chế. Không ai khác, chính mỗi công dân phải có trách nhiệm tự xác định chừng mực của sự hiếu kỳ.