Gia đình bền vững

Gia đình là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần phong phú. Không chỉ giữ vai trò nền tảng, tế bào của xã hội, gia đình còn là môi trường giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách. Từ gia đình, nhiều giá trị quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo, bất khuất, kiên cường được hình thành, vun đắp.

Trong thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về gia đình, xác định công tác gia đình là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước. Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tiếp đó, nhiều luật liên quan gia đình được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 629/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhằm tạo khung chính sách về phát triển gia đình. Tiếp đó, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm xác định và đưa vào cuộc sống chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam…

Công tác gia đình nói riêng và việc xây dựng đời sống văn hóa nói chung được các cấp, ngành, đoàn thể quan tâm phối hợp triển khai. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tham mưu, tổ chức, thực hiện các đề án, chương trình, đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư và đơn vị văn hóa... bước đầu mang lại chuyển biến tích cực. Nhiều tỉnh, thành phố tổ chức tôn vinh gia đình tiêu biểu, thực hiện hoạt động từ thiện, nhân đạo, thăm hỏi động viên và tổ chức hội thi văn hóa ứng xử, vận động và khuyến khích các gia đình Việt Nam tổ chức bữa cơm sum họp. Hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam được xã hội hóa tốt hơn với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức, dòng họ, gia đình.

Có thể thấy, Việt Nam đạt nhiều thành tựu, nhất là trong việc hoàn thiện khung thể chế chính sách, vận động các bộ, ban, ngành, đoàn thể và xã hội quan tâm, chăm lo công tác gia đình. Tuy nhiên, quá trình hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mặt trái của cơ chế thị trường tác động mạnh, tạo nên biến đổi sâu sắc đối với gia đình trên nhiều phương diện. Xuất hiện xung đột giữa việc bảo tồn các giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục của gia đình với việc tiếp thu những yếu tố mới, tình trạng lỏng lẻo trong quan hệ gia đình, hiện tượng ly hôn, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, bất bình đẳng giới, buôn bán phụ nữ, trẻ em,… Những hiện tượng như vậy dẫn đến gia đình mất đi tính ổn định, thiếu bền vững.

Một gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ tác động tới cộng đồng, thúc đẩy xã hội vận động tạo ra sự biến đổi và phát triển. Cùng với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, vai trò của từng gia đình và các thành viên trong gia đình là hết sức quan trọng. Chỉ khi mỗi thành viên trong gia đình quan tâm đến nhau, sống có trách nhiệm với nhau, dành thời gian cho nhau, khi đó nền tảng cho gia đình hạnh phúc bền vững mới có thể hình thành.