Duy trì nét đẹp truyền thống

Tháng bảy âm lịch theo Phật giáo là dịp lễ trọng - Vu lan nhằm để cháu con thể hiện sự biết ơn, hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Còn trong tâm thức dân gian, rằm tháng bảy là ngày xá tội vong nhân. Tư tưởng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian giao thoa, vậy nên, vào quãng này trong năm, nhiều gia đình sắm sanh, chuẩn bị đồ cúng lễ cho người đã khuất.

Theo quan niệm, con người sau khi chết đi vẫn tồn tại ở một thế giới nào đó vì thế người dân hóa vàng mã với tư duy “trần sao, âm vậy”, con người trong cuộc sống cần gì thì sang thế giới bên kia cũng cần có những thứ đó. Thông thường, khi có việc, gia chủ thường chuẩn bị đồ cúng lễ. Trong đồ lễ, có vàng mã, tiền âm phủ. Nhiều gia đình có điều kiện sẽ sắm sanh “phong phú” hơn, nghĩa là ngoài vàng mã, tiền âm phủ, gia chủ còn mua một số hàng mã khác.

Hóa vàng, nếu chỉ là một phần trong nghi thức thờ cúng thần linh, tổ tiên, tiền nhân, hay người đã khuất… là việc làm đáng trân trọng. Ước nguyện bình an, sức khỏe, tài lộc… trong cuộc sống gửi gắm qua nghi thức nói trên cũng là chính đáng. Tuy nhiên, ngày nay không ít người lượng hóa việc này, từ một nghi thức trong quá trình thực hành tín ngưỡng, thành thước đo lòng thành kính: “tốt lễ thì dễ nói”, càng chi nhiều tiền cho vàng mã là càng thể hiện lòng thành; càng như vậy càng được phù hộ độ trì.

Dù giới chức Phật giáo khẳng định tập tục đốt vàng mã không phải nghi lễ Phật giáo, trong dân gian còn có câu “lễ bạc lòng thành”…, việc đốt vàng mã vào các dịp đầu xuân năm mới, rằm tháng bảy âm lịch, giỗ chạp, Tết, lễ… vẫn ngày một rầm rộ, nhiều lúc bị lạm dụng, lợi dụng. Dịp rằm tháng bảy nhiều năm lại đây, ngoài sắm sanh đồ lễ thông thường như vàng mã, tiền âm phủ, quần áo giấy…, nhiều nhà còn mua nhà lầu, xe hơi, điện thoại đời mới…, thậm chí cả hình nhân là người giúp việc để làm lễ. Có nhà, chi phí vàng mã cúng ngày rằm tháng bảy lên tới vài trăm triệu đồng.

Trong khi chưa ai đo đếm được lợi ích cụ thể từ việc đốt vàng mã thì một trong những hậu quả nhãn tiền là lãng phí. Theo thống kê chưa chính thức mà báo chí công bố, mỗi năm cả nước tiêu thụ hơn 50 nghìn tấn vàng mã, hàng mã, chi phí cho việc này hằng năm có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Hiện tượng đó không chỉ diễn ra ở các hộ gia đình mà cả trong các cơ sở thờ tự, thậm chí cả cơ quan nhà nước.

Vàng mã bị đốt với số lượng lớn là mối họa đối với môi trường. Ngoài lượng khói bụi, tro thải ra gây hại cho sức khỏe con người, việc khai thác nguyên liệu tre, nứa, gỗ nói chung… để sản xuất giấy đế - loại giấy dùng để làm ra vàng mã, khiến tài nguyên rừng tiếp tục suy kiệt; quy trình sản xuất ra loại giấy này cũng gây ô nhiễm khủng khiếp.

Cùng với đó, nguy cơ cháy, nổ từ việc đốt đồ vàng mã luôn rình rập. Cơ quan chức năng, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy nhiều năm qua vẫn phải tăng cường kiểm tra, rà soát đồng thời khuyến cáo người dân về khả năng xảy ra hỏa hoạn dịp rằm tháng bảy âm lịch. Lý do là không ít người, đặc biệt người dân tại các đô thị có thói quen hóa vàng mã ngoài đường, dưới các gốc cây, cột điện…

Hiện tượng người người, nhà nhà đua nhau sắm sanh vàng mã để đốt khi chưa hiểu tường tận ý nghĩa khiến nghi thức thờ cúng dịp rằm tháng bảy trở nên lệch lạc, biến tướng, vô hình trung làm mất đi giá trị nhân văn cốt lõi của ngày lễ này, đó là sự từ bi hỷ xả, lòng biết ơn cha mẹ, sự tưởng nhớ tổ tiên, những người đã khuất. Hạn chế đốt vàng mã bừa bãi không chỉ ngăn chặn lãng phí, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, hỏa hoạn… mà còn góp phần duy trì tinh thần nét đẹp văn hóa truyền thống.