Đích đến vẫn là chất lượng

Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) mới đây công bố Dự thảo Thông tư ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học (DTTT) để lấy ý kiến góp ý của các cá nhân, đơn vị cho tới ngày 3-12-2019. Nội dung ghi trên văn bằng có thay đổi so quy định hiện hành đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Cùng những ý kiến nhất trí, còn những băn khoăn khi việc này có thể dẫn tới nguy cơ "cào bằng" trong đánh giá chất lượng.

Ðiểm đáng chú ý của DTTT là văn bằng không cung cấp thông tin hình thức đào tạo là chính quy, tại chức hay vừa làm, vừa học..., cũng không ghi xếp loại tốt nghiệp (giỏi, khá, trung bình...) như hiện nay. Theo Bộ GD&ÐT, thông tin quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo… được ghi trên Phụ lục văn bằng quy định tại Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, sẽ có hiệu lực thời gian tới. Phụ lục văn bằng được cấp đồng thời với văn bằng.

Xây dựng DTTT là bước đi đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, vào cuộc sống. Quy định trong DTTT cũng phù hợp thông lệ của thế giới, góp phần tạo điều kiện cho người được đào tạo theo hình thức khác nhau có cơ hội ngang nhau trong tìm kiếm việc làm, góp phần tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, trên thực tế, tại Việt Nam, chất lượng đào tạo hệ tại chức, vừa làm, vừa học hay đào tạo từ xa… vẫn chưa được đánh giá ngang bằng đào tạo chính quy. Với hình thức đào tạo chính quy, người học phải trải qua đợt tuyển sinh nghiêm ngặt, cơ sở giáo dục có quy chế bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như đặt ra quy định chặt chẽ với người học. Còn với hệ đào tạo không chính quy, lâu nay, không ít cơ sở giáo dục rút ngắn chương trình đào tạo, quản lý lỏng lẻo, không bảo đảm chất lượng… Ở khâu tuyển sinh hệ không chính quy, có nơi người học chỉ cần đăng ký là được học, nghiễm nhiên có tấm bằng khi hoàn tất chương trình. Chất lượng của hệ đào tạo không chính quy chưa được bảo đảm là nguyên nhân có những cơ quan, đơn vị không "hoan nghênh" tấm bằng đào tạo theo hình thức này.

DTTT cũng khiến một số chuyên gia giáo dục, sinh viên lo ngại dẫn đến hiện tượng đánh đồng, không tạo động lực phấn đấu cho người học, ảnh hưởng chất lượng nguồn nhân lực. Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, văn bằng tốt nghiệp không ghi kết quả xếp loại, hình thức đào tạo là vì chất lượng đầu ra được quản lý chặt chẽ. Cùng với đó, việc công khai, minh bạch hóa xếp hạng chất lượng cơ sở giáo dục với sự tham gia của các tổ chức kiểm định độc lập có uy tín giúp xác lập niềm tin của xã hội đối với các cơ sở đào tạo, năng lực của người sở hữu văn bằng…

Như vậy, xu hướng không ghi thông tin hình thức đào tạo, xếp loại lên văn bằng là tất yếu trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế; bằng tốt nghiệp là nhằm xác nhận người có tên hoàn thành chương trình học. Nhưng xét đến cùng, đích đến vẫn là chất lượng đào tạo. Ðể hạn chế tác động tiêu cực có thể xảy ra khi quy định mới được áp dụng, ngành GD&ÐT cần chú trọng xây dựng lộ trình quản lý hiệu quả, bảo đảm chất lượng tương đương giữa các hình thức đào tạo, quản lý chặt "đầu ra"… Chỉ khi chất lượng đào tạo thật sự được bảo đảm, xã hội sẽ quan tâm năng lực chuyên môn thể hiện trong công việc của người sở hữu văn bằng thay vì chỉ để ý hình thức đào tạo, xếp loại… hiển thị trên văn bằng, phụ lục văn bằng.