Di cư và đô thị hóa

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông - Nam Á. Nếu như vào năm 1986 tỷ lệ dân cư sống tại đô thị Việt Nam mới chiếm khoảng 19%, thì đến năm 2013 tỷ lệ này đạt gần 34%. Dự kiến đến 2020, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam sẽ đạt 45%. Khi ấy, dân số TP Hà Nội khoảng bảy triệu người; TP Hồ Chí Minh khoảng 10 triệu người, thuộc diện các thành phố lớn nhất của khu vực.

Những năm qua, nhiều đô thị nước ta đã được mở rộng về quy mô không gian. Theo đó, dân số cũng như mật độ dân cư tại các khu vực nội đô ngày một tăng cao. Điều đáng quan tâm là quá trình này không diễn ra đồng đều mà chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ở đây, ngoài khía cạnh tích cực là làm gia tăng tính năng động xã hội của người lao động và thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, việc di cư từ nông thôn ra thành thị đã và đang gây áp lực không nhỏ đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội, nhà ở... Một trong những bất cập mà hằng ngày người dân các đô thị lớn phải "chung sống" là nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tình trạng gia tăng dân số cơ học quá nhanh ở các đô thị lớn cũng khiến công tác quản lý dân cư gặp không ít khó khăn.

Song, nan giải hơn cả là càng ở những đô thị lớn, sức hút đối với dòng di cư từ nông thôn càng mạnh mẽ. Thực trạng này đã và đang khiến một số đô thị phải gánh chịu nhiều sức ép về dân số và nghèo đói. Nói cách khác, con đường đô thị hóa đang hiển hiện những mâu thuẫn cần được giải quyết. Trước hết, quá trình ấy đang làm giảm khá lớn diện tích đất nông nghiệp ở các thành phố, tạo ra những khoảng thời gian nông nhàn và làm "dư thừa" nguồn lao động lớn ở đây. Cùng đó, tính bất ổn định việc làm của người nhập cư khá cao và, như một lẽ đương nhiên, thu nhập của họ không ổn định. Họ làm những việc mà người dân sở tại không muốn làm, như phụ hồ, giúp việc gia đình..., trong khi chính sách quản lý đô thị ngày càng chặt chẽ cũng đã có những ảnh hưởng bất lợi đến nhóm nhập cư, nhất là với những người bán hàng rong ở các đô thị lớn. Cũng bởi vậy mà hầu hết trong số họ không tiếp cận được các hệ thống an sinh xã hội và các dịch vụ khác như giáo dục, y tế... Do đó, nếu không có những chính sách phù hợp, phần lớn những người di cư sẽ phải đối mặt với thực trạng là chuyển cái nghèo khó từ nơi này sang cái nghèo khó ở nơi khác mà thôi. Ấy là chưa nói đến những "lệch pha" về văn hóa và lối sống, dẫn đến những hệ lụy mang tính xã hội.

Trên đây là cả một vấn đề lớn mà các nhà quản lý đang hằng ngày đối diện. Bởi lẽ, đúng như đúc kết của chuyên gia đô thị từ những nước phát triển, dòng lao động di chuyển từ nông thôn ra thành thị là một quy luật kinh tế tất yếu đối với mọi quốc gia trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Nguồn lực này thậm chí là một tiềm năng vô tận cho tăng trưởng kinh tế. Như vậy, không cách nào khác, cần phải có những giải pháp chiến lược từ góc độ chính quyền đô thị và cộng đồng để thực thi hiệu quả những vấn đề mang tính quy luật đó.